Thủ tướng Israel từ chối trả lời về trách nhiệm không ngăn chặn cuộc tấn công ngày 7/10

Chia sẻ Facebook
16/11/2023 04:17:37

Thủ tướng Israel từ chối trả lời về việc ông có chịu trách nhiệm trong việc không ngăn chặn được cuộc tấn công quy mô lớn ngày 7/10 của phong trào Hamas hay không.


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong ngày Chủ Nhật đã từ chối trả lời trước các câu hỏi về việc ông có chịu trách nhiệm về thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công ngày 7/10 tại Israel hay không, và khẳng định sẽ có lúc cân nhắc những “câu hỏi khó” này khi cuộc chiến kết thúc.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Dana Bash của CNN, ông Netanyahu thừa nhận đây là “một câu hỏi cần có câu trả lời”, nhưng cũng cho biết quốc gia ông hiện tại cần phải đoàn kết với mục tiêu đánh bại Hamas - tổ chức đã tấn công Israel ngày 7/10.

“Chúng tôi sẽ trả lời những câu hỏi này. Nhưng hiện tại, tôi nghĩ điều chúng tôi cần phải làm là cả nước phải đoàn kết vì một mục đích duy nhất; đạt được chiến thắng”.

“Hãy tập trung vào chiến thắng trước - đó là trách nhiệm hiện tại của tôi”, nhà lãnh đạo cho biết.

Ông Netanyahu bị chỉ trích vì đã không thấy trước được vụ tấn công khốc liệt nhất tại Israel kể từ khi quốc gia này thành lập năm 1948 tới nay. Vụ tấn công đã khiến 1200 người thiệt mạng và 200 người bị bắt giữ làm con tin.

Trong một cuộc biểu tình tại Tel Aviv vào ngày thứ Bảy vừa rồi, gia đình những con tin bị bắt giữ và đưa tới Gaza đã yêu cầu ông Netanyahu và chính phủ phải làm nhiều hơn để đảm bảo cho người thân của họ được trả tự do.

Thủ tướng Israel trong ngày Chủ Nhật trước CNN đã cho biết Israel đang làm mọi thứ có thể “24 giờ mỗi ngày” để giải phóng con tin, và khẳng định đây là một trong hai mục tiêu chính của ông trong cuộc chiến này, bên cạnh việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Ông cũng đã khẳng định lại quan điểm về việc kêu gọi ngừng bắn của quốc tế, cho biết thỏa thuận ngừng chiến đấu duy nhất mà ông chấp nhận là “thỏa thuận mà trong đó tất cả con tin được trả tự do”.

Trong nhiều ngày qua, hàng chục ngàn người Gaza đã sơ tán về miền Nam bằng các hành lang sơ tán tạm thời. Khi được hỏi về khả năng tạm ngừng chiến kéo dài nhiều ngày, ông Netanyahu khẳng định: “Như vậy thì không phải là tạm ngừng chiến nữa”.

Cho rằng Hamas sẽ tận dụng những khoảng thời gian tạm ngừng chiến dài để bổ sung quân nhu, nhà lãnh đạo cho biết: “Nếu mọi người đang nói về việc ngừng chiến, thì đó là điều mà Hamas rất muốn có. Hamas muốn có hàng loạt các đợt tạm ngừng chiến mà về mặt cơ bản sẽ làm tan rã các cuộc tấn công nhắm vào họ”.

“Không có lý do gì mà chúng tôi không thể đưa bệnh nhân ra khỏi đó”

Kể từ vụ tấn công ngày 7/10, Israel đã liên tục đánh bom Gaza, khiến ít nhất 11.025 người Palestine thiệt mạng, theo thông tin từ Bộ Y tế Palestine tại Ramallah.

Bộ này cũng cho biết con số thương vong trên bao gồm 4.506 trẻ em và 3.027 phụ nữ cùng hơn 27.000 người đã bị thương.

Khi được hỏi về tình hình các bệnh viện tại Gaza, mà theo các quan chức y tế và cơ quan cứu trợ là đang phải trải qua “tình thế thảm khốc” khi chiến dịch trên bộ của Israel di chuyển tới miền Bắc Gaza, ông Netanyahu cho biết Israel đang giúp đỡ bệnh nhân bằng cách đề ra các hành lang an toàn trên bộ, nhưng khẳng định Hamas sẽ “không nhận được bất kỳ sự miễn trừ” nào.

“Chúng tôi đã thiết lập các tuyến đường an toàn tới khu vực an toàn phía Nam thành phố Gaza. Chúng tôi muốn thường dân được đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm”, nhà lãnh đạo cho biết.

Ông Netanyahu cáo buộc Hamas là thủ phạm gây thương vong cho dân thường, và cho biết “khoảng 100 người” đã được đưa khỏi bệnh viện Al-Shifa, cơ sở y tế lớn nhất Gaza. “Không có lý do gì mà chúng tôi không thể đưa bệnh nhân ra khỏi đó”.

CNN chưa thể xác minh các khẳng định này. Israel trước đó trong ngày Chủ Nhật đã tuyên bố thiết lập một hành lang gần bệnh viện Al-Shifa, nhưng Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế cho biết họ không thể xác minh về việc có bất kỳ hoạt động sơ tán nào đã được thực hiện.

Chính quyền Palestine tại Gaza và Bờ Tây khẳng định Israel đã xả súng vào những người di chuyển giữa các tòa nhà bệnh viện. Quân đội Israel đã bác bỏ các cáo buộc này.

Ai sẽ điều hành sau cuộc chiến?

Trong khi chiến sự tiếp tục hoành hành, câu hỏi lớn về việc phe nào sẽ điều hành Gaza sau cuộc chiến vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong tuần vừa rồi, Mỹ đã đề xuất Chính quyền Dân tộc Palestine - chính quyền đang nắm quyền tự trị có giới hạn tại Bờ Tây - có thể sẽ nắm giữ vai trò này.

Ông Netanyahu cho biết vai trò về an ninh của Israel tại Gaza sau chiến tranh sẽ là “một kế hoạch quân sự bao quát và toàn diện”, nhưng không giải thích chi tiết về khẳng định này.

Kế hoạch này sẽ đi kèm với “một chính quyền dân sự được tái cấu trúc…" có vai trò kiểm soát Gaza “sẵn sàng đối đầu với khủng bố” và giáo dục trẻ em về “một tương lai hòa bình, hợp tác, thịnh vượng, hợp tác với Israel” và “không hướng tới tiêu diệt Israel”.

Ông cho biết: “Cho tới nay, một thể chế như vậy chưa hề tồn tại”.

“Cần phải có một điều gì đó khác. Nếu không chúng ta sẽ lại lặp lại sai lầm và nhận được hậu quả tương tự. Hãy nhớ rằng PA (Chính quyền Dân tộc Palestine) đã có mặt tại Gaza”.


Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Chia sẻ Facebook