Thủ tướng Hun Sen: Việc rút một phần ưu đãi EBA sẽ không làm tổn thương xuất khẩu của Campuchia
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) rút một phần chương trình miễn thuế EBA (Mọi thứ trừ vũ khí) sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước này sang thị trường châu Âu.
Thủ tướng Hun Sen: Việc rút một phần ưu đãi EBA sẽ không làm tổn thương xuất khẩu của Campuchia
Hồi tháng 2/2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan dành cho Campuchia theo thỏa thuận EBA vì nước này bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền. Động thái này tác động đến gần 20% giá trị xuất khẩu của Vương quốc.
Tuy nhiên, Campuchia vẫn có các cơ hội đàm phán để khắc phục các vi phạm về nhân quyền để có thể quay lại hưởng trọn ưu đãi như trước.
Tại buổi gặp gỡ với hơn 2,000 thành viên của cộng đồng người Campuchia tại Thụy Sĩ hôm 21/05, Thủ tướng Hun Sen cho rằng việc EU rút ưu đãi EBA sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này sang thị trường chung châu Âu. Theo Thủ tướng Hun Sen, xuất khẩu của Campuchia sang châu Âu vẫn ở mức cao, chỉ riêng năm 2021 đạt 4 tỷ USD .
Ông nói: “Khó khăn không phải là EBA mà là Covid-19, xuất khẩu đã và đang tăng đều đặn. Sớm muộn gì EBA cũng hết hiệu lực một khi nền kinh tế chạm tới một giới hạn nhất định”.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành dệt may của Vương quốc. Hàng loạt nhà máy mới được mở thêm nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng gia tăng từ khách hàng Mỹ và châu Âu. Ông lưu ý, có đến gần 500 nhà máy phải tăng ca mới có thể đáp ứng được nhu cầu gia tăng.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang châu Âu đạt hơn 4.19 tỷ USD , tăng hơn 8% so với năm 2020.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Campuchia sang châu Âu gồm có thiết bị điện, vật liệu xây dựng, xe đạp, dược phẩm, nông sản và thuốc bảo vệ thực vật.
Nhà nghiên cứu kinh tế Ky Sereyvath của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) cũng nhận định rằng việc rút EBA không gây ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Vương quốc. Ông cho rằng hoạt động xuất khẩu vẫn thể hiện xu hướng mạnh mẽ tại toàn khu vực châu Âu.
Nhà nghiên cứu kinh tế tại RAC cho biết thêm, cuộc khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để Campuchia giành lấy các thị trường xuất khẩu và sản xuất quốc tế nhờ chiến lược tiêm chủng vắc-xin Covid-19 giúp nước này tiếp tục sản xuất hàng may mặc ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.
Ông lưu ý, nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cao, Campuchia đã có được sự tin cậy của các nước. Đã có 663 nhà máy mới được xây dựng tại Vương quốc, trong đó có 20 nhà máy của các công ty nước ngoài từ các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 đã chuyển đến hoạt động tại đây.
Ông nói: “Việc công ty các nước đến làm ăn tại Campuchia là cơ hội và tiềm năng để đất nước trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất của thị trường toàn cầu.”
Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)