Thủ tướng: Dùng 392.000 tỷ vượt thu năm 2022 cho các dự án trọng điểm
Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư dùng số vượt thu 392.000 tỷ đồng để làm những công trình trọng điểm, cấp bách, sao cho "có tấm, có món".
Thủ tướng: Dùng 392.000 tỷ vượt thu năm 2022 cho các dự án trọng điểm
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô, theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên tất cả lĩnh vực đang quản lý; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu chiến lược, điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả - đây cũng là yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 3/1.
Thủ tướng lưu ý với nguồn vượt thu năm 2022 là 392.000 tỷ đồng , cần ưu tiên xử lý các vấn đề cấp bách, đột xuất, bất ngờ và đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược. Cụ thể, có thể dùng nguồn lực này để thực hiện bằng được mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng là tới năm 2025, cả nước có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước, làm "ra tấm ra món", dứt khoát không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ khen ngợi lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực, quan tâm, "ngày đêm sớm tối trăn trở" về đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển, luôn ủng hộ sự đổi mới. Công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện với tinh thần một luật sửa nhiều luật.
Thủ tướng cũng dành lời khen Bộ cũng làm tốt hơn công tác truyền thông; công tác thống kê ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, khoa học, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, "là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước".
Ông yêu cầu tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Về hợp tác công - tư, Thủ tướng chia sẻ: "Hôm qua, khi tới xem bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình, tôi cũng trao đổi với các đồng chí có liên quan về khai thác hợp tác công - tư hiệu quả ở sân vận động này".
Theo Thủ tướng, dư địa thúc đẩy hợp tác công - tư còn rất lớn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhưng hiện nay, thể chế cho hợp tác công - tư còn hạn chế so với sự vận động, phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.
Tham mưu mô hình kinh tế mới
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trước tác động nghiêm trọng của 2 năm đại dịch Covid-19, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát diễn biến tình hình, xây dựng kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng.
Nhờ vậy, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua.
Bước sang năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung vào 16 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế này.
Thảo My