Thủ tướng: Đồng bằng sông Hồng phải dẫn dắt cơ cấu lại nền kinh tế

Chia sẻ Facebook
12/02/2023 23:44:01

Đồng bằng sông Hồng phải là vùng động lực phát triển hàng đầu, định hướng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên khi chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (nghị quyết 30), sáng 12/2.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương trong vùng nghiêm túc quán triệt 5 quan điểm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị. Trong đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để vùng phát triển nhanh, bền vững. Các lĩnh vực cần tập trung là hạ tầng chiến lược kết nối gồm hạ tầng cứng và mềm, hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế...

Vùng đồng bằng sông Hồng phải phát huy các nguồn lực cả công và tư; tự lực đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, vùng cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi song song với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị sáng 12/2. Ảnh: VGP

Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể; rà soát quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, sớm hoàn thành Quy hoạch vùng trong năm 2023.

Việc phát triển kinh tế vùng được nhấn mạnh thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Vùng phải phát triển các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng hiện đại, đa dạng, trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng. Các trung tâm du lịch phát triển tầm khu vực và quốc tế, trên cơ sở phát huy bản sắc độc đáo riêng có; gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch. Kinh tế biển phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics.

Đồng bằng sông Hồng cần được ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Trong đó, vùng đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối nội vùng, cảng biển; mở rộng và nâng cao hiệu quả khai thác đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển quốc tế.

Ông dẫn chứng, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn do hạ tầng giao thông kết nối tốt hơn. Hay Hải Phòng sau khi xây dựng các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và tỉnh khác đã phát triển bứt phá.

Theo lãnh đạo Chính phủ, vùng đồng bằng sông Hồng phải trở thành trung tâm khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Muốn vậy, các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao cần được xây dựng, phát triển.

"Nghiên cứu xây dựng trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng", Thủ tướng nói, lưu ý Bộ Khoa học và Công nghệ phát huy vai trò kiến tạo để đất nước có thêm nhiều khu công nghệ cao khác.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đồng bằng sông Hồng phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, vùng phải đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ đại học, tăng cường nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động nội vùng, liên vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "văn hóa còn thì dân tộc còn", nên văn hóa vùng phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Ông cũng yêu cầu sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có chuyển giao, kế thừa.

Chia sẻ Facebook