Thủ tướng đối thoại với nông dân: Cùng nâng cao nhận thức giá trị của thương hiệu

Chia sẻ Facebook
30/05/2022 22:54:33

Bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của nhà sáng lập Tập đoàn TH, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu và phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu.

Bà Thái Hương - chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH - đặt câu hỏi với Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam ngày 29-5 - Ảnh: C.HUYỀN


Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra ngày 29-5 ở Sơn La, Anh hùng Lao động Thái Hương - nhà sáng lập, chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH - cho rằng: Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp, nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hóa, để tiếp sức cho sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp đơm hoa kết trái; và để ứng dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ, khoa học quản trị của thế giới thì Chính phủ cần rà soát và bổ sung những bộ chính sách thích ứng cho từng ngành nghề và phù hợp với từng thời điểm.


Cần chính sách về chuyển đổi đất đai


Bà Thái Hương đề nghị cần có quy hoạch các vùng cây ăn trái hiệu quả. Chẳng hạn cây keo không còn hiệu quả nữa, cần khuyến khích bà con trồng sang cây ăn trái và khi chuyển đổi sang trồng cây ăn trái thì cần có mô hình điểm để hướng dẫn bà con.


Do đó, Chính phủ cần có chính sách đồng bộ về mô hình điểm, chính sách về chuyển đổi đất đai cho phù hợp để chuyển đổi đất trồng những cây lịch sử có tính chất xóa đói giảm nghèo sang trồng cây ăn trái hay thảo dược.

"Với Tập đoàn TH, chúng tôi cũng dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng cây keo sang trồng cây ăn trái và trồng xen nhiều loại để tăng tính hiệu quả. Chẳng hạn, ở một số vùng đất, tôi cho trồng cây đàn hương và cây mắc ca, bên dưới hai cây này chúng tôi còn trồng các loại thảo dược, cây lấy tinh dầu nữa" - bà Thái Hương chia sẻ.

Còn nông dân Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao.


Đáp lại các kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Ngay trong thời gian phòng chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải "tính cua trong lỗ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời các câu hỏi, kiến nghị của nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN


Xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng


Tại hội nghị, bà Thái Hương - Tập đoàn TH - cũng nhấn mạnh việc cần phải có các chính sách về xây dựng thương hiệu: "Muốn làm được sản phẩm và bán được ra bên ngoài cần có thương hiệu. Hiện chúng tôi đồng hành với Bộ Công thương trong Chương trình Thương hiệu quốc gia. Tôi mong muốn Thủ tướng có giải pháp hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu và tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới".


Về việc xây dựng thương hiệu như chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH kiến nghị, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào giá trị tăng gấp hàng chục lần.


"Tôi đề xuất giải pháp chúng ta cùng nhau nhận thức rõ vai trò của thương hiệu. Mà muốn có thương hiệu, chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào cho đúng, phải dày công. Có thương hiệu rồi, sản phẩm cần đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng, chứ không phải có thương hiệu rồi nhưng sản phẩm ít quá thì cũng không thể phát triển được thương hiệu. Đặc biệt, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường.


Muốn có thương hiệu chúng ta phải quy hoạch được nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu, nguyên liệu đầu vào phải tự chủ. Chúng ta xây dựng thương hiệu nhưng nguyên liệu phụ thuộc thì không được, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ là như vậy" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều câu hỏi về giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi; vay vốn, tín dụng đen… được đặt ra trong Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 tại Sơn La và 62 điểm cầu trên cả nước.

Chia sẻ Facebook