Thủ tướng: 'Cả 10 tỉnh đều xin cơ chế thì không thể gọi là đặc thù'
Xây dựng cơ chế đặc thù nhưng làm sao để không trở thành phổ biến là vấn đề đáng suy ngẫm được các đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận tổ về cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa chiều 24-5.
Ngày 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu Phan Huỳnh Sơn ( tỉnh An Giang) cho rằng trong số 11 chính sách có tới 8 chính sách nhiều tỉnh khác cũng mong muốn, chẳng hạn 4 cơ chế chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.
Chính sách hỗ trợ về tài chính từ ngân sách trung ương thì địa phương nào cũng muốn "hỗ trợ được đồng nào tốt đồng đó", hay cơ chế về quản lý quy hoạch phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị..., đại biểu Sơn chỉ ra.
Cơ chế đặc thù thành phổ biến?
Từ đó, ông Sơn đề xuất với 8 chính sách nằm trong cơ chế đặc thù mà nhiều tỉnh khác cũng mong muốn, Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu, nếu không mang tính đặc thù thì nên áp dụng chung để tạo sự lan tỏa trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình rằng đây là vấn đề đáng suy nghĩ, bởi nếu cả 10 tỉnh đều xin cơ chế chính sách như vậy sẽ trở thành phổ biến, không thể gọi là đặc thù. Đơn cử như cơ chế tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, diện tích đất rừng, diện tích đất lúa, phân cấp liên quan đến khu công nghiệp là những cơ chế chung.
"Tất cả các tỉnh thành đều đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, cùng là những nội dung này, thì cần xem xét. Việc phân cấp phải thực hiện nhiều hơn để làm sao trung ương phát huy vai trò chủ đạo, còn địa phương mang tính chủ động nhiều hơn", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho hay Chính phủ đang phân công để quản lý từng lĩnh vực, để trung ương thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, thể chế, gắn với đó là tăng cường kiểm tra giám sát phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, theo dõi đôn đốc, kiểm tra, tổng kết đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt.
Cảnh giác lợi dụng chính sách để đầu tư "núp bóng"
Cũng theo dự thảo nghị quyết, nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng thời hạn đưa ra như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ lụy là nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định "chiếm đất, bán sang tay lại". Ông đề nghị thời hạn cấm chuyển nhượng dự án nên dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm.
Bà Vũ Thị Lưu Mai, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách, cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, cũng cho rằng thời hạn không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm là ngắn, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để đầu tư "núp bóng". Thời hạn này chưa bảo đảm yêu cầu gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt, cần tính đến yếu tố bảo đảm an ninh kinh tế, nhạy cảm quốc phòng.
Bà cho biết, có ý kiến trong ủy ban đề nghị quy định rõ việc nếu nhà đầu tư chiến lược không triển khai thực hiện theo các quy định của Luật đầu tư, Luật đất đai và các quy định pháp luật khác thì sẽ phải thu hồi dự án và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.
Không để người nước ngoài đồng sở hữu bến cảng, sân bay
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng nghị quyết phải có nội dung khẳng định người nước ngoài có hay không quyền đồng sở hữu bến cảng, sân bay.
Ông Nhân nói: "Bến cảng, sân bay là tài sản quốc gia, có vị trí nhạy cảm, phải khẳng định các quy chế sau này không cho phép người nước ngoài, công ty nước ngoài đồng sở hữu bến cảng, sân bay. Phải nói rõ việc này, nếu không nói rõ sau này sẽ phát sinh nhiều vấn đề".
Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - thì nói đọc dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa chưa thấy rõ vấn đề bảo vệ an ninh, quốc phòng như trong nghị quyết 09 của Bộ Chính trị nêu.
Ông Quang đề nghị nghị quyết làm rõ "hàng rào kỹ thuật" về đảm bảo an ninh, quốc phòng tại một số khu vực và lĩnh vực, trong đó tập trung xây dựng cho hai khu vực huyện Cam Lâm và Vân Phong.
Khánh Hòa đề xuất cơ chế quản lý cảng biển ở Vân Phong UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có cuộc họp để thống nhất các đề xuất nội dung chính sách đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.