Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Nhiều quốc gia bị đe dọa bởi nợ không bền vững

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 13:36:38

Ấn Độ đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 trong bối cảnh một số quốc gia Nam Á láng giềng đang suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.


Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của các nước G20 đã bắt đầu các cuộc họp ở Ấn Độ hôm 24/2, trùng với cột mốc một năm xung đột Nga-Ukraine – sự kiện đã gây ra nhiều xáo trộn trong trật tự thế giới và những hệ lụy khôn lường cho kinh tế toàn cầu.


“Chúng ta đang chứng kiến những căng thẳng địa chính trị dữ dội ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Có sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều xã hội đang phải gánh chịu hậu quả do giá cả tăng cao. An ninh lương thực và năng lượng đã trở thành mối quan tâm lớn trên toàn thế giới”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết trong bài phát biểu video khai mạc hội nghị tại thành phố Bengaluru, miền Nam đất nước.

Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên do Ấn Độ tổ chức kể từ khi nước này đảm nhận vai trò Chủ tịch G20.


Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho biết, trong số những thách thức chính mà các phái đoàn của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) sẽ phải đối mặt là “làm việc cùng nhau để củng cố các ngân hàng phát triển đa phương, đáp ứng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tập trung vào "những công dân dễ bị tổn thương nhất" trên thế giới khi ông phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, ngày 24/2/2023. Ảnh: Euractiv

Ông Modi nêu bật mức nợ không bền vững ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của nhiều quốc gia và sự xói mòn niềm tin vào các tổ chức tài chính quốc tế. Ông nói: “Thậm chí, khả năng tài chính của nhiều quốc gia cũng bị đe dọa bởi mức nợ không bền vững… niềm tin vào các tổ chức tài chính song phương đã bị xói mòn”.

Theo đó, ông kêu gọi các nền kinh tế và hệ thống tiền tệ hàng đầu thế giới mang lại sự ổn định, niềm tin và tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi G20 tập trung vào những công dân dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu.

Ấn Độ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên G20 trong bối cảnh các quốc gia Nam Á láng giềng như Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan đang tìm kiếm gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Reuters tuần trước đưa tin rằng Ấn Độ đang soạn thảo một đề xuất cho các nước G20 để giúp đỡ các quốc gia mắc nợ bằng cách yêu cầu các bên cho vay, bao gồm cả Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, cắt giảm hoặc chấp nhận thua lỗ đối với các khoản vay.

Các đại biểu di chuyển bằng xe buggy tại địa điểm tổ chức cuộc họp của các quan chức tài chính G20 gần Bengaluru, Ấn Độ, ngày 22/2/2023. Ảnh: FBC News

Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20 vào tháng 12 năm ngoái, nhận chuyển giao từ Indonesia và dự kiến sẽ tổ chức hơn 200 cuộc họp của khối trong năm 2023.

Trong số các Bộ trưởng và đại diện từ các nước thành viên G20 đã tới Ấn Độ có Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Phó Tổng thống thứ nhất của Tây Ban Nha Nadia Calvino, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa.

Ấn Độ đã chọn “Vasudhaiva Kutumbakam” (Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai) làm phương châm cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, mượn ý tưởng từ những ý tưởng hòa bình của Đức Phật và Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh tự do của Ấn Độ, vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với sự bất ổn gia tăng.

Dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 sẽ được tổ chức tại thủ đô New Delhi vào ngày 9-10/9 tới.


Thành viên G20 gồm các nước G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Italy), các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Ả Rập Xê-Út, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU) .


Minh Đức (Theo Reuters, La Prensa Latina)

Chia sẻ Facebook