Thủ tục môi trường cho điện mặt trời: mỗi địa phương hướng dẫn một kiểu

Chia sẻ Facebook
06/07/2022 23:35:01

Cùng thủ tục môi trường cho điện mặt trời nhưng hiện nay mỗi tỉnh, thậm chí mỗi địa phương trong cùng một tỉnh lại có những hướng dẫn khác nhau. Tại Vũng Tàu có hàng ngàn nhà đầu tư điện mặt trời đang vướng thủ tục này vì chưa có hướng dẫn.

Tấm quang năng lượng mặt trời trên mái nhà của một hộ dân ở Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ


Cuối tháng 6-2022, Phòng Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP Vũng Tàu gửi công văn hỏi Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để được hướng dẫn về thủ tục môi trường đối với các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái nhà.


Cụ thể phòng này hỏi sở các dự án điện mặt trời có phải làm hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường hay không. Nếu phải làm thì quy mô dự án như thế nào phải làm và thực hiện như thế nào.

Từ tháng 2-2022 phía điện lực yêu cầu các chủ đầu tư phải cung cấp các hồ sơ có liên quan, trong đó có hồ sơ về môi trường, nếu chủ đầu tư nào chưa có thì tạm ngưng trả tiền từ tháng 3-2022.

Theo tìm hiểu, Điện lực Vũng Tàu đã ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với hơn 1.200 chủ đầu tư, số tiền tạm ngưng trả cho các chủ đầu tư nay lên đến nhiều tỉ đồng.

Do chưa có hướng dẫn thủ tục đánh giá tác động môi trường nên các chủ đầu tư lẫn ngành điện phải gửi công văn về Phòng TN&MT TP Vũng Tàu, phòng này có công văn hỏi Sở TN&MT như đã nói ở trên.

Việc chậm hướng dẫn để làm dẫn đến chủ đầu tư điện mặt trời không được trả tiền, các nhà đầu tư ở Vũng Tàu đang bức xúc và nóng ruột, nhất là những dự án trên 100 kWp có vốn đầu tư từ vay ngân hàng.

Không chỉ nhà đầu tư, chính phía điện lực cũng mong muốn có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ, để điện lực có cơ sở trả tiền. Chiều 6-7, lãnh đạo Phòng TN&MT TP Vũng Tàu cho biết vẫn chưa có công văn trả lời từ Sở TN&MT nên chưa thể trả lời cho Điện lực TP Vũng Tàu.

Trong khi đó, tại một số địa phương khác như TP Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc (cũng thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chính quyền và cơ quan chuyên môn đã có công văn trả lời rằng các dự án điện mặt trời mái nhà không phải làm thủ tục về môi trường. Với công văn trên, các chủ đầu tư ở hai địa phương này đã nhận được tiền điện.

Tấm quang năng lượng nhỏ trên mái nhà ở Vũng Tàu, nếu đầu tư quy mô nhỏ mà vẫn phải làm các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy hay xây dựng thì quá rắc rối - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trong một diễn biến khác, ngày 4-7, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn hướng dẫn UBND huyện Long Điền về thủ tục môi trường đối với hai dự án điện mặt trời áp mái nhà trên địa bàn.

Theo đó, sở này dẫn chính quyền căn cứ vào các quy định về đầu tư, xây dựng, tiêu chí về môi trường được ghi trong điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 10-1-2022), điều 25 của nghị định 08/2022 để xác định dự án có phải làm thủ tục về môi trường hay không.

Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lưu ý rằng những tấm quang năng lượng khi thải ra phải được quản lý như "chất thải nguy hại".

Tại một số tỉnh, thành khác thì sở TN&MT đã có trả lời chung cho ngành điện để thực hiện thủ tục môi trường.

Cụ thể tháng 4-2022, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận trả lời cho điện lực tỉnh này "hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường".

Việc này căn cứ nghị định số 40/2019 của Chính phủ. Riêng các dự án điện mặt trời mái nhà từ 1-1-2022 thực hiện thủ tục này theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ tháng 1-2022 và nghị định 08/2022, thông tư 02/2022.

Trước đó tháng 12-2020, khi Luật bảo vệ môi trường 2020 chưa có hiệu lực, Tổng cục Môi trường có công văn trả lời UBND tỉnh Long An những dự án điện mặt trời mái nhà có diện tích dưới 50 ha thì không thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

"Các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà cứ làm thủ tục về môi trường gửi sở chức năng. Sở xác định phải làm hay không làm, phải trả lời cho chính chủ đầu tư đó. Chủ đầu tư kẹp vào hồ sơ gửi điện lực đầy đủ thì điện lực sẽ trả tiền".

Chia sẻ Facebook