Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần tăng lương cơ bản, phụ cấp cho nhân viên y tế

Chia sẻ Facebook
09/10/2022 23:00:31

Bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề hưởng lương hệ số 1, tương đương gần 3,5 triệu đồng.

Từ thực tế dịch bệnh hiện tại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu ý kiến cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng… Sau dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) là nguy cơ đậu mùa khỉ, viêm gan có nguy cơ xâm nhập.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cộng đồng tại TP Vũng Tàu, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP – Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 5/10, bà Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.


Đối với Việt Nam, ngoài dịch COVID-19, bà Hương cho rằng nguy cơ các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan xâm nhập là “không thể tránh khỏi”.

Theo đó, bà Hương cho rằng cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin COVID-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học; sửa đổi, bổ sung cơ chế mua sắm, đấu thầu; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở…

Vềnâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng; đặc biệt đối với năng lực của các trạm y tế xã.


“Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 vì chúng ta qua các đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 có vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân”, bà Hương nói.

Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương cơ bản (cơ sở) hiện là 1.490.000 đồng/tháng. Bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hệ số 1 là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Sau mỗi 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33, thành hệ số 2 (2,67), hệ số 3 (3,00)… tối đa là hệ số 9 (4,98).

Ở cấp học thạc sĩ, bác sĩ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3. Nếu mức lương khởi điểm của bác sĩ ở bậc 2 (2,67), số lương (chưa tính phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật) sẽ là 3.978.300 đồng, tăng 492.300 đồng/tháng so với bậc 1.


Ngày 18/9, Bộ Y tế dẫn báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết trong 18 tháng qua (từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022), cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc . Bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất (3.094 người), tiếp đến là điều dưỡng (2.874 người).

Trong số này, có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Số nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc tập trung cao tại TP.HCM (2.035 người), Hà Nội (1.032 người), Đồng Nai (496 người), Bình Dương (368 người)…

Trong các nguyên nhân chính được chỉ ra có các vấn đề về áp lực công việc cao; thu nhập thấp; áp lực về việc thiếu điều kiện cơ sở vật chất; áp lực của xã hội, gia đình và người thân…

Âm 91 tỷ đồng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hết quỹ lương

Hồi ngày 8/8, Bộ Y tế công bố đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phụ cấp từ 40% lên 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện tuyến huyện.

Mức phụ cấp 70% đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

Mức phụ cấp 60% đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới.

Mức phụ cấp 50% đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

Giữ nguyên mức phụ cấp 40% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.

Ngày 5/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến  của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, nghiên cứu việc nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường.


Nguyễn Quân

Đồng Nai rối bời trong 'cơn bão' y bác sĩ nghỉ việc Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ tháng 11/2021 đến nay, con số bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc lần lượt là 79 và 151.

Chia sẻ Facebook