Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức tăng trưởng
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương những rủi ro và thách thức mới tạo ra nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu phát triển kinh tế.
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế-xã hội 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay cùng với các vấn đề mới xuất hiện năm 2022 như xung đột Nga – Ukraine; suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao tại Mỹ, EU và nhiều nước phát triển; đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng… đã khiến tình hình thế giới nhìn chung diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn.
Ông Phương cho rằng những yếu tố này đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế lớn.
“Điều này tạo rất nhiều khó khăn, thách thức trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô, các lĩnh vực xã hội, đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Trong bối cảnh thách thức nói trên, theo ông Phương, cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).
Cùng với đó là chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra. Ngoài ra là bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Bên cạnh đó là tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp.
Tăng sức chống chịu của nền kinh tế
Trong khi đó, trình bày tham luận tại Phiên toàn thể, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, qua các đánh giá về từng cấu phần và nhóm chỉ số tổng thể đưa ra thì năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức “trung bình - khá”. Tại đây, các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.
Đồng thời hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế…
Chính sách tài khoá an toàn?
Theo GS.Andreas Hauskrecht, nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và 2023.
Khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Mỹ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá Việt Nam đồng/Đô la Mỹ (VND/USD). Dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác, khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.
Đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam, GS.Andreas Hauskrecht (đại học Indiana, Hoa Kỳ) nhận định Việt Nam đã phòng, chống dịch COVD-19 hiệu quả; dự bảo tăng trưởng năm 2022 đạt trên 6%, lạm phát được kiểm soát, nhất là chỉ số lạm phát trọng yếu duy trì ở mức thấp.
Trên cơ sở đánh giá tình hình quốc tế và bối cảnh của Việt Nam, GS.Andreas Hauskrecht kiến nghị Việt Nam không nên giảm giá đồng Việt Nam bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính. Ông cũng đề xuất Việt Nam không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.