Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo: Hai thách thức với giáo dục bền vững tại Việt Nam
Theo thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Việt Nam có thể hoàn thành những mục tiêu về giáo dục bền vững, công bằng theo đúng các dự án hợp tác quốc tế, dù vậy vẫn còn 2 thách thức lớn cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Trong hai ngày 12 và 13-5, Trung tâm SEAMEO RETRAC phối hợp với ban thư ký SEAMEO tổ chức hội thảo khu vực về "Tăng cường giáo dục chất lượng, công bằng và hòa nhập tại Đông Nam Á thông qua đổi mới lãnh đạo và quản lý giáo dục".
SEAMEO RETRAC là trung tâm khu vực thuộc tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, với một trong nhiều mục tiêu là hỗ trợ các nước trong khu vực xác định và giải quyết các vấn đề giáo dục.
Tham dự hội thảo ngày 12-5 có đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và nhiều nhà giáo dục đến từ các cơ quan Chính phủ, các cơ sở giáo dục khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Văn Phúc - thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - cho biết trong thời gian qua, Việt Nam ghi nhận nhiều bước phát triển về lĩnh vực giáo dục. Tỉ lệ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học nằm trong nhóm cao hàng đầu. Tỉ lệ người dân vào đại học cũng ở mức cao so với những quốc gia đang phát triển khác.
Trong chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM), học sinh Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á ở cả 3 năng lực được khảo sát gồm đọc hiểu, viết, toán học.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng Việt Nam sẽ hoàn thành được những mục tiêu về phát triển giáo dục bền vững và công bằng theo tiêu chí của nhiều dự án quốc tế và Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên vẫn còn 2 thử thách lớn đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực.
Thứ nhất là tăng cường kỹ năng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, nhằm đáp ứng hơn nữa đòi hỏi của các doanh nghiệp trong tình hình mới.
Thứ hai là hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho những học sinh, sinh viên ở những nơi khó khăn, những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ông Phúc cho biết ngành giáo dục sẽ tăng cường cải thiện môi trường giáo dục để phát triển hơn nữa năng lực cho học sinh, sinh viên. Trong đó có yêu cầu nâng cao cơ sở vật chất và mở rộng cơ hội tiếp cận nghề nghiệp cho các bạn trẻ.
Theo ông Phúc, COVID-19 đã đặt ra nhiều khó khăn cho giáo dục. Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách về hỗ trợ tài chính cho những học sinh vùng sâu, dân tộc thiểu số hay trẻ em gái,… Mục tiêu cuối là tạo ra sự công bằng cho tất cả học sinh trên cả nước.
Tiến sĩ Ethel Agnes P.Valenzuela, phó giám đốc ban thư ký SEAMEO, cho biết một trong những mục tiêu mà các nước thành viên hướng tới sẽ là trợ giúp quá trình đổi mới giáo dục thông qua cách tiếp cận công nghệ, bắt kịp với những chuyển biến trong tương lai.
Các nước thành viên sẽ tăng cường dự báo những thay đổi trong các xu hướng giáo dục phát sinh, đặc biệt ở thời hậu COVID-19. Các nhóm học sinh dễ bị tác động, những em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cần được ưu tiên trong các chính sách liên quan đến giáo dục ở các nước.
Ngày 2-11, Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds - Anh (QS AUR) công bố kết quả của Bảng xếp hạng đại học châu Á. Việt Nam góp mặt 11 cơ sở giáo dục đại học.