Thủ thư tự học hơn 10 ngôn ngữ
Trung QuốcĐể đọc được các tác phẩm lịch sử, văn học, triết học thời Phục hưng yêu thích, Gu Xiaojun tự tìm tài liệu và học ngoại ngữ suốt hơn chục năm qua.
Với niềm đam mê mãnh liệt với ngôn ngữ, một thủ thư của Thư viện Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh đã tự học hơn 10 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ba Tư, Latin, Hy Lạp, Pháp, Đức và Italy trong khoảng 12 năm.
Gu Xiaojun được gọi là người đa ngôn ngữ (người có khả năng nói nhiều ngôn ngữ khác nhau). Gu bắt đầu làm việc tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc năm 2009 vì nghĩ rằng đây là nơi hoàn hảo để đọc sách và theo đuổi sở thích của mình.
Thủ thư 41 tuổi cho biết thường tận dụng khoảng thời gian giải lao trong ngày ở thư viện và đọc những cuốn sách về lịch sử, ngôn ngữ. Anh cũng tranh thủ đọc trên tàu điện ngầm trong quá trình đi lại hàng ngày từ nhà đến nơi làm việc.
Tốt nghiệp khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, Gu có niềm yêu thích sâu sắc với các tác phẩm lịch sử, văn học, triết học thời Phục hưng ở châu Âu. Điều này sau đó khơi dậy niềm đam mê với ngôn ngữ của Gu. Để đọc được những tác phẩm viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Đức, Latin, Gu phải tự học những ngôn ngữ này.
Trong khi hầu hết mọi người có thể gặp khó khăn để học một ngôn ngữ cổ đại trừu tượng, Gu lại bị thu hút.
"Tôi rất phấn khích khi có thể hiểu được nội dung như vậy, điều này đã khuyến khích tôi tiếp tục", Gu nói.
Gu từng dịch vài dòng trong cuốn Kinh Thư - một cuốn trong bộ Ngũ kinh của Khổng Tử, sang tiếng Hy Lạp cổ để đánh giá trình độ ngoại ngữ của mình.
Biết nhiều ngoại ngữ nhưng thủ thư chia sẻ: "Tôi không dám nói mình thành thạo nhiều ngôn ngữ vì việc học ngoại ngữ không có giới hạn. Tôi đã học ngôn ngữ liên tục trong những năm qua", Gu chia sẻ.
Làm việc ở thư viện hơn chục năm, Gu chứng kiến nhiều nhóm độc giả khác nhau gồm những sinh viên trẻ đang chuẩn bị cho các kỳ thi cũng như độc giả lớn tuổi tìm kiếm sách lúc rảnh rỗi.
Gu cho biết điều khiến anh ấn tượng nhất là những độc giả tóc bạc. Anh nhớ từng gặp một bà cụ đến mượn bộ sách lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà lão nói lúc trẻ không có cơ hội đọc. Khi Gu đưa cho bà vài cuốn, bà đã say sưa đọc bằng kính lúp.
"Tôi vô cùng xúc động trước sự khát khao kiến thức của độc giả lớn tuổi. Tôi đặc biệt vui mừng được trở thành một thủ thư cung cấp dịch vụ cho độc giả tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc. Tôi cũng thích không khí đọc sách ở đây. Tôi tin rằng sách giúp mọi người có được trạng thái bình yên và phần nào tìm thấy sự tự do trong tâm hồn", Gu nói.
Bình Minh (Theo China Daily )