“Thủ phủ” vàng mã tất bật chạy hàng trước Rằm tháng 7
Những ngày này, khắp nơi trong làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) đang hối hả sản xuất vàng mã để chuẩn bị phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước dịp lễ Vu Lan (Rằm tháng 7).
Tất bật chạy hàng
Trao đổi với PV Lao Động, đa số người dân trong làng Phúc Am đều cho hay, năm ngoái đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các hộ kinh doanh đồ cúng lễ, vàng mã... phải đóng cửa.
Năm nay tình hình buôn bán đã khả quan hơn, nhiều gia đình phải huy động tất cả các thành viên trong nhà làm việc. Thậm chí, với những hộ sản xuất lớn phải thuê thêm một số nhân công làm việc hết công suất để phục vụ thị trường tiêu thụ.
Ông Phạm Thắng - một người có thâm niên 10 năm trong nghề làm vàng mã cho biết, cận ngày lễ Vũ Lan bạn hàng liên tục gọi hối thúc. Năm nay, do giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng cũng sẽ tăng thêm từ 10-20% so với năm ngoái.
“Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch khách đã gọi đặt hàng. Vì vậy mà những ngày này các thành viên trong gia đình đều dành hết thời gian để làm vàng mã cho kịp tiến độ chuyển đi đại lý ở khắp nơi. Thị trường năm nay khá hơn năm ngoái, lượng khách đặt hàng tăng lên nhiều. Khách hàng chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, họ nhập cả chục xe tải để đem đi đổ buôn", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, đồ hàng mã không thiếu thứ gì, từ biệt thự, xe hơi, điện thoại, ngựa, thuyền... Tuy nhiên, nếu khách cần hàng độc, số lượng lớn thì phải đặt trước. Còn hàng thông thường, số lượng nhỏ lẻ luôn có sẵn.
Tương tại, tại xưởng sản xuất của bà Nguyễn Thị Gái hiện tại ghi nhận mức tiêu thụ khoảng khoảng 70%. Các mặt hàng vàng mã cũng được bà đẩy mạnh sản xuất cách đây 2 tháng.
“Đến thời điểm hiện tại, xưởng nhà tôi đã xuất được cả nghìn cây vàng mã thỏi. Các mặt hàng xa xỉ vàng mã cỡ lớn như máy bay, du thuyền, ôtô mui trần hay các hình nộm dạng quan, tướng cũng được mọi người đặt tương đối nhiều. Từ giờ đến Rằm tháng 7 còn 1 tuần nữa nhưng nhà tôi mới kịp trả hơn một nửa số đơn hàng khách đặt”, bà Gái chia sẻ.
Cũng theo bà Gái, ngoài kênh bán truyền thống thì gia đình bà còn đẩy mạnh bán trên mạng xã hội bằng cách chụp ảnh, livestream. Vì vậy từ người lớn đến trẻ nhỏ đều căng mình cho những đơn hàng khách đặt.
Làm một mùa, ăn cả năm
Trao đổi với PV, ông Phùng Quyết Thắng – Trưởng thôn Phúc Am cho hay, bước vào vụ cao điểm nên đa phần các hộ gia đình đã bán được 2/3 lượng hàng.
“Thường thì chúng tôi chỉ có hai đợt cao điểm trong một năm là dịp Rằm tháng 7 và giáp Tết, các tháng khác nhu cầu tiêu thụ của người dân thấp. Vì vậy, thu nhập cả năm của khoảng 180 hộ phụ thuộc vào dịp Rằm tháng 7 là chính”, ông Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, hầu hết các hộ sản xuất lớn trong làng đều sử dụng máy móc để đạt được năng suất cao và không tốn công như trước. Trong khi đó, những hộ làm nhỏ lẻ đều làm hoàn toàn thủ công nên các chi tiết đã được chuẩn bị từ mùa hè, vì làm cầu kì và tốn thời gian nên sản xuất liên tục mà không được nhiều.
Chị Phùng Ngọc Lan (Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Làng Phúc Am nổi tiếng với các sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe... Sau 2 năm dịch bệnh, nhu cầu cúng lễ của người dân tăng cao tại các đền, phủ, miếu... nên tôi thuê xe lên tận đây để lấy hàng cho được giá".
Theo ghi nhận của PV, những sản phẩm hàng mã dạng xương ngựa, loại to nhất có giá khoảng 60.000 đồng/ con, loại bé hơn giá khoảng 20.000 - 35.000 đồng. Các mặt hàng quần áo, tiền vàng... có giá từ 60.000 - 100.000 đồng.
Trong khi đó, riêng những đồ cúng thuộc dòng “xa xỉ” như hàng mã dạng xe hơi, hay cây tài lộc đô la, du thuyền… có giá từ khoảng 200.000 - 400.000 đồng, tùy kích cỡ.
Theo laodong.vn