'Thủ phủ' trám đen ở Hà Tĩnh vào mùa thu hoạch, người dân bỏ túi cả trăm triệu đồng
Từ xưa, quả trám đen là loại thức ăn dân dã, chống đói nhưng giờ đây lại trở thành quả đặc sản. Vào mua thu hoạch, người dân nơi đây hết sức phấn khởi vì không phải đầu tư, chăm bón nhưng lại cho thu nhập cao.
Trám đen cũng như quả tro, trước đây là món ăn chống đói của người dân khi lương thực còn khan hiếm nhưng thời gian gần đây, loại thức ăn dân dã này được rất nhiều người ưa chuộng và trở thành đặc sản. Nhờ đó, giá cả được nâng cao giúp người trồng trám có thu nhập khấm khá hơn.
Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn như: trám om, trám muối, xôi trám, trám nhồi thịt, trám kho cá, canh trám nấu gà, trám xào nhộng ong… Trám thường được người dân dùng giải rượu và dùng để chữa 1 số bệnh.
Thôn Kim Sơn, xã Sơn Ninh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được ví là “thủ phủ” của trám bởi có rất nhiều cây trám đã cho thu hoạch, có thể nói là nhiều nhất, trong đó có nhiều cây cổ thụ được trồng vào khoảng năm 1940.
Gia đình bà Thư, ông Liễu (thôn Kim Sơn, xã Sơn Ninh) là một trong những hộ dân có nhiều cây trám đen cổ thụ cho quả to nhất, ngon nhất. Chỉ vào cây trám tẻ mà thương lái đang thu hoạch, bà Thư chia sẻ, khi bà về làm dâu nhà này thì cây trám này đã rất to và cho quả nhiều năm trước đó.
Theo thương lái cho biết, đây là cây trám cho quả to nhất huyện, nếu lựa chọn thì khoảng 60 quả/kg, còn cân ngang thì 70 đến 75 quả/kg, giá bán ra thị trường là 120.000 đồng/kg.
Ngoài cây trám này, gia đình bà Thư còn có 1 cây trám nếp được cho là ngon nhất huyện. Cây trám này tầm khoảng 80 năm tuổi, gốc cây to nhất có đường kính 290cm. Quả trám loại này không to như trám tẻ nhưng hạt nhỏ, vỏ dày, ăn có độ dẻo và bùi. Lần thu hoạch nhiều nhất khoảng 300kg, giá bán cao hơn trám tẻ khoảng 20.000 đồng/kg.
“Cây trám này khi thu hoạch thì bán ngay tại gốc, nhà 5kg, nhà 1 yến, họ giành nhau lấy hết. Do trám ngon nên chủ yếu họ mua làm quà biếu, gửi cho người thân ngoài Hà Nội. Nhiều người muốn mua được trám của cây này thì phải đích thân đến nhặt, nếu không sẽ mất phần, kể cả người nhà”, anh Dũng, con trai bà Thư nói.
Cũng theo anh Dũng, dự kiến năm nay 4 cây trám đen của gia đình anh cho khoảng 7 tạ quả. Tuy nhiên, do cây to và rất cao, không có người leo trèo để thu hoạch nên gia đình buộc phải bán vo cho thương lái với số tiền 30 triệu đồng.
Gần cạnh nhà bà Thư là khu vườn của gia đình ông Tân, bà Anh, thương lái cũng đang thu hoạch trám. Nhà có 11 cây đã cho quả, cách đây mấy tháng, khi trám mới ra hoa gia đình đã bán 25 triệu đồng.
“Hiện tại họ đã hái được trên 3,5 tạ, thu hoạch hết 11 cây dự kiến được trên 5 tạ, nhưng chúng tôi bán hơi rẻ”, giọng bà Anh có phần hơi tiếc nuối.
Nhà có nhiều cây trám đen nhất xã Sơn Ninh nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung phải kể đến gia đình ông Nguyễn Trần Cảnh (nguyên Chủ tịch xã Sơn Ninh). Nhận thấy giá trị kinh tế của quả trám, từ năm 2005, ông Cảnh đã cho chặt bỏ cây ăn quả trong vườn để trồng trám. Tại khu vườn rộng trên 4000m2 của gia đình, hiện có 15 cây cho thu hoạch lâu năm và 25 cây mới bắt đầu ra quả.
Trao đổi với PV Infonet , ông Cảnh cho biết, so với sản xuất thuần nông trong lĩnh vực cây và con, cho đến thời điểm này tại xã Sơn Ninh chỉ có cây trám và nuôi hươu là cho giá trị kinh tế cao. Các loại cây trồng khác ngoài việc chăm sóc thì phải đầu tư rất lớn, còn trám thì chỉ để tự nhiên như thế.
Theo ông Cảnh, trong số 40 cây trám của gia đình, có 1 cây được trồng vào năm 1940. Năm ngoái, do dịch bệnh, thương lái không đến mua trực tiếp nên các con ông rao bán trên mạng với giá 70.000 đồng/kg. Trong số 1,3 tấn quả thu hoạch được thì riêng cây cổ thụ 80 năm tuổi đã cho 2,7 tạ quả.
“Năm nay tôi đã bán cho thương lái hơn một nửa và thu về được 60 triệu đồng. Đến cuối mùa, số còn lại khi thu hoạch hết có thể sẽ được 40 triệu đồng nữa”, ông Cảnh phấn khởi cho biết.
Cũng theo ông Cảnh, trám là loại hoa quả sạch, trồng và chăm sóc thì rất dễ, nhưng để chờ đợi đến ngày thu hoạch trám thì không phải đơn giản. Nếu đất tốt, cây trám từ khi trồng đến khi cho quả mất khoảng 7 - 8 năm, còn đất xấu thì 9 – 10 năm. Sau quãng thời gian đó, nếu gặp phải cây trám đực thì phải chặt bỏ và trồng lại nên nhiều người không kiên nhẫn được.
Chị Bùi Thị Hằng (thôn Bãi Trạm, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn) một thương lái cho biết, khi cây mới ra hoa đậu quả thì chị đến tận vườn để đặt mua. Mua cách này thì 50/50, có khi lãi to nhưng có khi cũng chỉ hoà vốn.
Khi trám chín, “đội quân” của thương lái sẽ đến thu hoạch. Người leo cây hái trám thì cao công hơn, mỗi ngày 500.000 đồng. Còn những người nhặt trám thì 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày.
Theo chị Hằng, sau khi thu hoạch xong, trám ngon thì có thể bán lẻ tại chỗ hoặc ship cho khách trong vùng, trám vừa thì nhập ra Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang để họ làm thuốc. Khi khách báo cần số lượng lớn thì đến vườn hái hoặc thu mua lại của người khác, bình quân mỗi ngày 1 tạ, ngày nhiều thì 3 tạ, cả mùa khoảng 7 tấn.
Ông Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch UBND xã Sơn Ninh cho biết, toàn xã có 180 hộ dân có cây trám (chủ yếu trám nếp). Hiện có hơn 550 gốc đã cho quả, sản lượng ước đạt từ 13 - 15 tấn, giá thị trường từ 100 - 120.000 đồng/kg.
Năm 2021, quả trám đen của địa hương đã được cơ sở chế biến trám Hùng Ly chế biến, phát triển thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của địa phương.
Trần Hoàn