Thu phí không dừng lỗi nhiều, vì sao không cho chủ phương tiện trả sau?

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 12:13:11

Việc thu phí không dừng tại tất cả các tuyến cao tốc đã triển khai chỉ chấp nhận thanh toán trả trước, cùng với việc chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng của các đơn vị vận hành BOT khiến tình trạng kẹt xe còn diễn ra ở nhiều thời điểm.

Việc triển khai thanh toán chỉ cho phép người dùng trả trước, khi xảy ra lỗi tài khoản sẽ dễ dẫn đến ùn tắc. (Ảnh: baochinhphu.vn)


Ngay tuần đầu tiên triển khai thu phí không dừng trên tất cả các trạm BOT cao tốc đã xảy ra hơn 83.000 lỗi. Trong số này có hơn 79.000 đến từ 4 tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hơn 4.000 lỗi thuộc dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, theo báo Giao Thông .

Đối với 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý: Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có hơn 37.500 lỗi (tính từ 22h ngày 25/7 đến 15h ngày 1/8); cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi gần 1.800 lỗi (tính từ 18h ngày 31/7 đến 11h30 ngày 1/8); cao tốc Nội Bài – Lào Cai có hơn 6.200 lỗi (tính đến 18h ngày 1/8) và cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình hơn 33.600 lỗi (tính từ ngày 22/7 đến hết ngày 1/8).

Cũng theo thống kê cho thấy, các lỗi chiếm tỷ lệ cao trên các tuyến cao tốc như: Tài khoản giao thông không đủ tiền, tài khoản không hợp lệ, chưa kích hoạt thẻ,…. Tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng phát sinh các lỗi tương tự.

Đối với dịch vụ sử dụng đường cao tốc, nếu thực hiện giải pháp thu phí trả sau như các doanh nghiệp khác đang áp dụng cho khách hàng như: xe công nghệ, điện, nước, internet, v.v… tình trạng kẹt xe do sự cố trên có lẽ sẽ giảm bớt rất nhiều.


Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ), hệ thống thu phí không dừng hiện nay đã đáp ứng được cho việc trả sau, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (KTSG) đưa tin.

Các nhà cung cấp dịch vụ ETC áp dụng mô hình trả sau như các doanh nghiệp khác không khó để thu hồi tiền nợ từ các chủ xe. Hệ thống công nghệ hiện nay đủ sức quản lý tình trạng thiếu nợ phí ETC đồng thời kèm theo biện pháp chế tài như từ chối phục vụ trên tất cả các trạm BOT trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng có thể bổ sung quy định bắt buộc xe còn nợ phí ETC phải thanh toán thì mới được cho đăng kiểm như cách Bộ Công an đang làm với hình thức “phạt nguội” hiện nay.

Có thể nói, cách quản lý thu phí của các nhà cung cấp dịch vụ ETC thể hiện tâm lý sợ bị ăn gian hiện vẫn còn phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam, cũng theo bản tin của Tạp chí KTSG.

Cũng theo ông Toàn, hình thức thanh toán trả sau phí ETC đang gặp hai điểm vướng mắc. Đầu tiên là quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Theo quy trình này, nhà cung cấp dịch vụ ETC phải chuyển tiền thu được trong ngày cho nhà đầu tư BOT. Tiếp đó, nhà đầu tư BOT chuyển cho ngân hàng để trả nợ.

Để gỡ vướng mắc cho mô hình trả sau phí ETC thì đầu tiên phải gỡ từ ba đơn vị phía thu phí kể trên. Nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Do đó, việc chậm chu kỳ thanh toán cần phải đàm phán lại các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án.


Đức Minh

Viettel tố cáo VETC dán chồng thẻ thu phí không dừng Etag lên 39.954 xe đã dán ePass

Theo Tập đoàn Viettel, 39.954 xe bị dán chồng thẻ gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng (tính theo giá trị mỗi thẻ là 120.000 đồng) và chi phí nhân công dán mỗi thẻ 50.000…

Chia sẻ Facebook