Thu nhập người trồng lúa sẽ tăng trên 40% vào năm 2030

Chia sẻ Facebook
28/08/2023 20:48:54

Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo và cây lúa Việt Nam và nâng cao thu nhập cho người dân.


Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xoay quanh một số vấn đề quan trọng của toàn ngành.


Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã báo cáo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2030 (gọi tắt: Đề án).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.


Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: “ĐBSCL có thế mạnh về thủy sản , trái cây, lúa gạo. Sản xuất nông nghiệp của vùng tạo ra phát thải 4 triệu tấn CO2, chiếm 24% tổng lượng phát thải toàn quốc, trong đó canh tác lúa chiếm 40%. Do đó, yêu cầu thay đổi phương thức canh tác giảm phát thải là định hướng lâu dài của toàn vùng”.


Đề án tổ chức lại ngành hàng lúa gạo ĐBSCL và tạo sự đột phá, xây dựng các mục tiêu của ngành, ổn định sản xuất, khắc phục sự sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Thông qua đó, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng chuỗi giá trị.


Thực tế, Thứ trưởng Nam thông tin, ĐBSCL hiện có 180 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo thì mới có 50 doanh nghiệp ký kết với nông dân, còn 130 doanh nghiệp là mua bán cạnh tranh. Điều này điều này dẫn đến giá gạo tăng nhanh trong thời gian vừa qua.


Từ đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đưa ra 6 nhiệm vụ trong thời gian tới, bao gồm: Xây dựng đến năm 2025 có 300.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ĐBSCL, đến 2030 là 1 triệu ha. Các địa phương đã sẵn sàng bắt đầu triển khai vào năm 2024.

Xây dựng đến năm 2025 có 300.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ĐBSCL.


Thứ hai là giảm 20% sản lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; 100% diện tích trồng lúa trong vùng chuyên canh áp dụng một trong các quy định canh tác thông minh, giảm giống, giảm phân bón, giảm phát thải, giảm lượng nước. Thứ ba là tổ chức lại các tổ hợp tác, 1 triệu ha lúa tương đương 1 triệu hộ nông dân. Điều này có nghĩa là làm sao để kéo được đông đảo các hộ nông dân tham gia Đề án.


Nhiệm vụ thứ 4 được Thứ trưởng Nam đề cập là bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: “Phấn đấu tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 8%, 100% rơm được thu gom ở đồng lúa và tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với phương thức canh tác truyền thống. Đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân”.


Thứ năm, đến năm 2030, thu nhập người trồng lúa trong chuỗi giá trị lúa gạo sẽ tăng trên 40%, trong đó, tỉ suất lợi nhuận tăng 50%, giảm chi phí, tăng giá trị lên. Thứ sáu, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu gạo. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.


Trước tình hình trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho phép Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đề xuất xây dựng thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh và cho phép sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án và không phải đóng góp vào lượng giảm phát thải cam kết trong Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (viết tắt là NDC) của Việt Nam.


Ngoài ra, sớm phê duyệt Đề án để kịp thời triển khai ngay cho vụ Đông Xuân tới. Đồng ý chủ trương triển khai các chương trình, đề án ưu tiên thuộc Đề án, đặc biệt là chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất vùng Dự án sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng thế giới.


Cũng liên quan đến vấn đề các-bon, đại diện Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng, lĩnh vực lâm nghiệp đang phát thải ròng âm (hấp thụ nhiều hơn phát thải nhiều lần), tiềm năng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, thương mại tín chỉ cac-bon của rừng là rất lớn. Lượng phát thải ròng trung bình năm của giai đoạn 2010-2020 trong lĩnh vực lâm nghiệp là -39,3 triệu tấn CO2/năm.

Toàn cảnh buổi làm việc.


Hiện nay đang có nhiều chương trình, dự án trao đổi, thương mại các-bon rừng đang triển khai tại Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam có thêm nguồn lực để hỗ trợ bảo vệ và tin phát triển rừng, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.


Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những đề xuất kiến nghị của Bộ NN&PTNT, đồng thời, đưa ra ý kiến chỉ đạo.


Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Về Đề án 1 triệu ha lúa, Bộ NN&PTNT đã tiến hành nhiều cuộc họp với các tổ chức tài chính quốc tế, doanh nghiệp, địa phương bàn về vấn đề kinh phí, logistics, hợp tác xã, tín chỉ carbon, hợp tác xã. Thuận lợi của Đề án là nền tảng từ dự án VnSat 2015, 2022, bài học kinh nghiệm từ đó sẽ giúp vận động tập hợp bà con, hợp tác xã tham gia.


“Nếu không có đề án này thì ngành hàng lúa gạo ĐBSCL sẽ ra sao, khó có thể tạo ra một thương hiệu lúa gạo sinh thái, không thể tái cơ cấu, không thể nâng cao giá trị hoặc bị từ chối thu mua. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì khó khăn hơn nữa. Chi phí cao, phát thải cao sẽ khiến ngành hàng lúa gạo Việt Nam mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói .

Chia sẻ Facebook