Thu ngân sách tốt, dư tiền và Chính phủ bớt đi vay
Cân đối này đi cùng với một thực tế mà lãnh đạo Chính phủ thường sốt ruột thời gian qua: có tiền mà khó tiêu được.
Bộ Tài chính vừa công bố thông tin về một số lĩnh vực hoạt động trong tháng 7 vừa qua. Như một lý giải gián tiếp trước đó, một lần nữa tiến độ huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) được nêu cụ thể.
Trong thông tin công bố trước đó, Bộ Tài chính cho biết đã chủ động điều tiết, giảm quy mô đi vay (qua phát hành TPCP) những năm gần đây, do cân đối nguồn thuận lợi, mà chủ yếu từ cân đối thu ngân sách tốt trong khi giải ngân đầu tư công chậm.
Với nguồn vốn ứ đọng, Bộ Tài chính đã linh hoạt sử dụng, gửi ở các ngân hàng thương mại, cho ngân sách trung ương vay…, qua đó làm lợi cho ngân sách nhà nước (NSNN) thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Về cân đối hiện nay, đến hết tháng 7/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành được 78.422 tỷ đồng TPCP, đạt 19,6% kế hoạch (400 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch rất thấp như vậy được thị trường chú ý, cũng như thể hiện ở hàng loạt phiên đấu thầu thất bại (khi tỷ lệ trúng thầu rất thấp).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, do thu NSNN đang ở mức tốt, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm nên KBNN đã chủ động điều hành giảm khối lượng phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp để giữ ổn định lãi suất phát hành, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ổn định thị trường tiền tệ. Theo đó, từ tháng 3 đến nay, KBNN gần như chỉ phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, lãi suất hiện nay khoảng 2,6-2,8%, cao hơn khoảng 0,5% so với thời điểm đầu năm.
Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù NHNN thắt chặt tiền tệ, lãi suất trên liên ngân hàng tăng nhanh thời gian vừa qua (tăng khoảng 2,5%-3% so với đầu năm) nhưng Bộ Tài chính vẫn cơ bản giữ được lãi suất không tăng mạnh.
Tuy vậy, thực tế lãi suất giao dịch đã tăng khá nhanh theo lãi suất liên ngân hàng; hiện nay giao dịch ở mức 3,2%-3,9% kỳ hạn 5 - 15 năm, tăng 1,5%-2,4% so với đầu năm.
"Lãi suất giao dịch tăng nhanh là yếu tố không thuận lợi, tạo sức ép tăng lãi suất phát hành cho Bộ Tài chính", thông tin từ Bộ Tài chính nhận định.
Như vậy, chi phí huy động vốn mới của Chính phủ qua phát hành TPCP đã có xu hướng tăng lên, như trên ở kỳ hạn 10 và 15 năm đã cao hơn khoảng 0,5% so với đầu năm.
Điểm liên quan, trong những năm gần đây cơ cấu vay nợ của Chính phủ đã có dịch chuyển đáng chú ý, theo hướng chủ động hơn nguồn lực ở trong nước.
Dữ liệu mà Bộ Tài chính mới cập nhật cho thấy, tính đến 31/12/2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3.283 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu đồng tiền trong danh mục nợ Chính phủ bao gồm: tiền VND có dư nợ 2.184 nghìn tỷ đồng, chiến chủ yếu với 66,5%; USD là 455 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 13,9%; JPY là 346 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5%; EUR là 179 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5%; các loại tiền khác là 119 nghìn tỷ đồng, chiếm 4%.
Với cơ cấu trên, chi phí đi vay của Chính phủ gặp bất lợi khi đồng USD tăng mạnh thời gian gần đây, song lại có thuận lợi lớn khi đồng JPY và EUR giảm rất mạnh.
Cụ thể, căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến ngày 01/8 thì 1 USD bằng 23.400 VND, tăng 1,1% so với đầu năm 2022. Ước làm tăng dư nợ Chính phủ bằng USD quy VND khoảng 5 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Với EUR, 1 EUR bằng 24.385 VND, giảm 9,5% so với đầu năm 2022. Ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng EUR quy VND khoảng 17 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Với JPY, 1 JPY bằng 180 VND, giảm 13% so với đầu năm 2022. Ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng JPY quy VND khoảng 45 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Do đó, theo Bộ Tài chính, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), ước làm giảm dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 khoảng 57 nghìn tỷ (giảm 2% so với dư nợ cuối 2021).