Thủ khoa Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM: 'Ôn bài với tâm thế không nhồi nhét kiến thức'
Nguyễn Mai Nhật Linh - thủ khoa Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm 2021 - chia sẻ kinh nghiệm cho các sĩ tử trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Linh cho biết: "Với các môn thi tự nhiên, mình chủ động ôn lại những công thức, những dạng bài dễ gây nhầm lẫn, đọc lại các ghi chú quan trọng. Đồng thời, mình còn xem thêm trên mạng cách giải những câu vận dụng để có được điểm ở những câu khó".
Linh cho biết bản thân không đặt nặng vấn đề điểm số. Vài giờ ôn bài những ngày trước thi Linh học với tâm thế không nhồi nhét thêm kiến thức mà như một cách tạo "cảm giác an toàn" hơn trước khi bước vào kỳ thi.
Theo Linh, điều quan trọng vẫn là giữ vững tâm lý, tránh gặp "khủng hoảng" vì xem kỳ thi là cột mốc quyết định cả tương lai.
"Với tổ hợp môn khoa học tự nhiên, trong khoảng thời gian đầu, mình sẽ cố gắng làm nhanh và cẩn thận ở những câu dễ để lấy trọn điểm. Mình dành thời gian tập trung nhiều hơn vào những câu khó và không nên phân tâm trong việc giải những câu sau" - Nhật Linh chia sẻ.
Theo bạn, điều quan trọng trong việc làm bài thi tổ hợp là cần phải giữ sức và tỉnh táo, nên mang theo nước nhấp vài ngụm cho đỡ áp lực, không dằn vặt bản thân khi không giải được câu khó. Linh còn cho biết không nên để bài thi trước ảnh hưởng đến bài thi sau, vì nó kéo tâm lý đi xuống, khó lòng duy trì được hết cả buổi thi.
Quá trình làm bài thi tổ hợp môn, Linh cẩn thận làm hết một mặt đề rồi tô vào đáp án để tránh bị nhầm thứ tự và cũng không mất thời gian phải lật lại từ đầu để tô.
"Các bạn cần giữ cho đầu óc thư giãn, không được để bản thân rơi vào trạng thái stress và cố gắng làm bài hết sức mình, mọi nỗ lực sẽ nhận được kết quả xứng đáng", Linh nhắn gửi đến các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi năm nay.
Giữ bình tĩnh ra sao?
Với số điểm 1.107/1.200, Phạm Tuấn Đạt - học sinh lớp 12C12 Trường THPT Long Khánh (Đồng Nai) - đã trở thành thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2022 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , Đạt cho rằng mỗi kỳ thi từ kiểm tra cuối kỳ đến tốt nghiệp THPT đều đòi hỏi khối lượng kiến thức lớn.
Thí sinh nếu nhớ kiến thức lộn xộn sẽ dễ mắc phải tình trạng mất tập trung. Không tập trung, các bạn sẽ đánh mất luôn sự tự tin. "Để có tâm lý tốt, yếu tố tiên quyết là sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, học đến đâu chắc đến đấy", Đạt nói.
Một tâm thế thi cử tốt còn đến từ việc sử dụng mạng xã hội đúng cách trong giai đoạn nước rút. Tuấn Đạt chia sẻ bạn luôn đặt ra một giới hạn và cân bằng thời gian nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình sử dụng.
"Mạng xã hội là nơi cập nhật các tin tức và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm. Nếu sử dụng hợp lý, nó sẽ là công cụ giúp học tập tốt hơn. Mạng xã hội cũng giúp mình giải trí, giữ cho tinh thần luôn thoải mái để có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất", Đạt chia sẻ.
Một lưu ý khác, ngay trong ngày thi, thí sinh phải đảm bảo phương tiện đi lại và thời gian đến địa điểm thi. Đến sớm trước giờ thi để đề phòng thiếu sót luôn hữu hiệu. Trước khi vào phòng thi, thí sinh cũng có thể trò chuyện cùng bạn bè để giảm áp lực và căng thẳng.
"Bình tĩnh và sáng suốt là hai yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng, làm nên điều khác biệt của thí sinh. Việc làm bài thiếu bình tĩnh và sáng suốt dễ dẫn đến sai sót", Đạt nhắn nhủ.
LÝ SƯƠNG
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại tỉnh Tiền Giang năm nay, Võ Ngọc Gia Bảo, học sinh Trường THCS Xuân Diệu (TP Mỹ Tho), đạt 10 điểm ở cả 4 môn thi toán, ngữ văn, tiếng Anh (môn chung) và hóa học (môn chuyên).