Thu hút FDI trước bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Chia sẻ Facebook
15/04/2023 22:47:53

Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu vẫn tăng mạnh dù những biến động kinh tế, chính trị làm “rung lắc” đáng kể tính ổn định của dòng vốn này. Một loạt xu hướng mới tác động tới hoạt động đầu tư và Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó.

Thu hút FDI trước bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu vẫn tăng mạnh dù những biến động kinh tế, chính trị làm “rung lắc” đáng kể tính ổn định của dòng vốn này. Một loạt xu hướng mới tác động tới hoạt động đầu tư và Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2021 là 1.580 tỉ đô la Mỹ, tăng 64% so với mức đặc biệt thấp vào năm 2020. Sự phục hồi cho thấy động lực phục hồi đáng kể với sự bùng nổ của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) và sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động tài trợ dự án quốc tế do các điều kiện tài chính lỏng lẻo và các gói kích thích cơ sở hạ tầng lớn.

Tuy nhiên, môi trường toàn cầu cho hoạt động kinh doanh quốc tế và đầu tư xuyên biên giới đã thay đổi đáng kể vào năm 2022. Cuộc chiến ở Ukraine – bên cạnh những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 – đang gây ra cuộc khủng hoảng về lương thực, nhiên liệu và tài chính ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự không chắc chắn của nhà đầu tư có thể gây áp lực giảm đáng kể đối với FDI toàn cầu.

Những thay đổi lớn

Vào năm 2021, các công ty đa quốc gia từ các nền kinh tế phát triển đã tăng hơn gấp đôi khoản đầu tư của họ ra nước ngoài lên 1.300 tỉ đô la, chiếm 75% dòng vốn FDI toàn cầu. Phần lớn sự gia tăng này là nhờ thu nhập tái đầu tư kỷ lục và mức độ cao của hoạt động M&A. Sự biến động mạnh của các quốc gia đầu mối tiếp tục diễn ra trong năm 2021.

Tổng đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia châu Âu đã tăng trở lại từ mức thấp bất thường vào năm 2020, lên 552 tỉ đô la Mỹ. Các công ty đa quốc gia từ Mỹ đã tăng đầu tư ra nước ngoài thêm 72%, lên 403 tỉ đô la Mỹ. FDI ra nước ngoài từ các nước phát triển khác tăng 52%, lên 225 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là do sự gia tăng từ các công ty đa quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giá trị hoạt động FDI của các công ty đa quốc gia từ các nền kinh tế đang phát triển đã tăng 18%, đạt 438 tỉ đô la Mỹ. Châu Á đang phát triển vẫn là một nguồn đầu tư lớn ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Mặc dù tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ châu Á đang phát triển tăng lên, nhưng các công ty có trụ sở chính trong khu vực đã thực hiện ít thương vụ mua lại hơn vào năm 2021.


Xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững ( SDG ) tăng đáng kể trong thời gian qua. Đầu tư quốc tế ở các nước đang phát triển tăng 70% năm 2021. Tổng giá trị của các thông báo về lĩnh vực xanh và các giao dịch tài trợ dự án quốc tế trong các lĩnh vực SDG đã vượt quá mức trước đại dịch Covid-19 gần 20%. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng đã chuyển sang năng lượng tái tạo.

Doanh số bán hàng của các công ty đa quốc gia kỹ thuật số đã tăng nhanh gấp 5 lần so với doanh số bán hàng của 100 công ty hàng đầu truyền thống trong năm năm qua, khi đại dịch Covid-19 tạo ra một cú hích lớn. Xu hướng đầu tư của hai nhóm này hoàn toàn trái ngược nhau.

Top 100 công ty truyền thống tham gia nhiều hơn vào đầu tư mới trong khi các công ty đa quốc gia kỹ thuật số lại chú trọng tham gia nhiều hơn vào hoạt động M&A. Các công ty đa quốc gia kỹ thuật số đầu tư tương đối ít vào tài sản vật chất để tiếp cận thị trường nước ngoài.

Hoạt động sản xuất quốc tế của cả công ty đa quốc gia kỹ thuật số và công ty đa quốc gia lớn truyền thống đã tăng trưởng liên tục, mặc dù ở các tốc độ khác nhau. Ngược lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giảm.

Các doanh nghiệp đa quốc gia kỹ thuật số tuy đầu tư không nhiều qua các dự án trực tiếp nhưng các đơn vị này đóng góp đáng kể vào nền kinh tế số khi thành lập các văn phòng dịch vụ chuyên nghiệp, trung tâm nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng Internet…

Dòng vốn đổ vào các nền kinh tế châu Á đang phát triển tăng năm thứ 3 liên tiếp, cao nhất mọi thời đại với 619 tỉ đô la Mỹ năm 2021, là khu vực nhận vốn lớn nhất với 40% dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng trưởng năm 2021 được chia sẻ rộng rãi trong khu vực, ngoại trừ Nam Á. Tuy nhiên, dòng vốn vẫn tập trung cao độ. Sáu nền kinh tế theo thứ tự gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Indonesia chiếm hơn 80% FDI vào khu vực.

Dòng dịch chuyển vốn FDI vẫn đang thay đổi trong bối cảnh các cuộc thảo luận của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về việc các khu vực pháp lý liên quan thỏa thuận về việc áp dụng thuế tối thiểu 15% đối với lợi nhuận nước ngoài của các công ty đa quốc gia lớn – những công ty có doanh thu trên 750 triệu euro.

Mục tiêu trước tiên của trụ cột này nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế thấp và giảm cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia. Việc đưa ra mức thuế tối thiểu đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tác động đáng kể tới chính sách đầu tư và đầu tư quốc tế khi thuế là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư FDI.

Thuế tối thiểu toàn cầu ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất trên 750 triệu euro. Ngưỡng này chiếm hơn hai phần ba số dự án đầu tư mới được thực hiện trong năm năm qua, thậm chí còn cao hơn ở các khu vực đang phát triển.

Hơn nữa, ngay cả khi ban đầu nhiều công ty sẽ vẫn nằm ngoài phạm vi, thì thực tế là ngày càng có nhiều FDI được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia lớn nhất (đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giảm), kết hợp với việc giảm dần ngưỡng dự kiến, sẽ có nghĩa là theo thời gian, gần như tất cả FDI sẽ phải tuân theo mức tối thiểu.

Giảm cạnh tranh từ các địa điểm có mức thuế thấp có thể mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, khi cạnh tranh chuyển từ đòn bẩy thuế sang các yếu tố quyết định đầu tư thay thế, nhiều nơi vẫn có thể gặp bất lợi vì họ không đủ khả năng chi trả các cam kết tài chính trả trước đáng kể liên quan đến cung cấp cơ sở hạ tầng hoặc trợ cấp.

Việt Nam trong bối cảnh mới

Việt Nam được nhắc tới nhiều với lợi thế tiềm năng về lao động dồi dào, chi phí tương đối thấp. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa hẳn là một thế mạnh trong ngắn hạn nếu so sánh với các nền kinh tế lân cận. Theo báo cáo của Manpower Group, tiền lương trung bình của người lao động Việt Nam hiện là 275 đô la Mỹ, tương đương hơn 6,5 triệu đồng/tháng (khiêm tốn so với trung bình 2.143 đô la Mỹ/tháng của thế giới). Philippines có tiền lương bình quân cao hơn (283 đô la Mỹ/tháng) nhưng trình độ kỹ năng cao hơn hẳn với 18,3% lao động tay nghề cao, so với mức 11,6% của Việt Nam.


Mặt khác, với lực lượng dân số hiện tại, Việt Nam là thị trường tiêu dùng tiềm năng. Theo McKinsey, trong thập kỷ tiếp theo đây, tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam có thể được bổ sung thêm 36 triệu người, theo định nghĩa là những người tiêu dùng tối thiểu 11 đô la Mỹ/ngày tính theo ngang giá sức mua ( PPP ).

Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp tiêu dùng, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 40%. Đến năm 2030, con số này có thể đạt gần 75%. Sức tiêu thụ mới đang nổi lên mạnh mẽ không chỉ từ những người lần đầu gia nhập tầng lớp tiêu dùng, mà còn do thu nhập của tầng lớp tiêu dùng nói chung có xu hướng tăng vọt trong biểu đồ kim tự tháp thu nhập. Hai tầng cao nhất của tầng lớp tiêu dùng (gồm những người chi tối thiểu 30 đô la Mỹ/ngày) đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất, có thể chiếm 20% dân số Việt Nam ở năm 2030.

Đô thị hóa là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng thu nhập. Dân số đô thị của Việt Nam dự kiến tăng vọt thêm 10 triệu người trong một thập kỷ tới khi tỷ trọng dân số đô thị tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030. Tuy nhiên, các chi phí thuê đất tăng lên và ảnh hưởng bởi chính sách thuế có thể tác động tới sức hấp dẫn của Việt Nam.

Có thể thấy doanh nghiệp FDI vào Việt Nam do nhận thấy lợi ích tổng thể so với các quốc gia khác. Lợi ích ở đây bao gồm lợi ích kinh tế và thương mại trực tiếp như khấu trừ thuế, chi phí nhân công rẻ, thị trường lớn và các lợi ích mang tính chiến lược như gần gũi về văn hóa, trao đổi đối tác ngoại giao, tăng sự hợp tác. Do vậy, Việt Nam cần duy trì lợi ích tổng hợp cả mặt chiến lược lẫn mặt thương mại để bù đắp các lợi ích mà doanh nghiệp FDI mất đi trong trường hợp phải chịu thuế cao hơn.

Việt Nam có thể giúp doanh nghiệp đa quốc gia giảm chi phí đầu vào thông qua các hình thức hỗ trợ gián tiếp như hỗ trợ chi phí mua máy móc, chi phí R&D, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tốt hơn. Trong đó, quan trọng nhất là phát triển mạng lưới nhà thầu phụ (OME – original manufauring equipment) thật mạnh, tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, đan xen tại Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam có thể hỗ trợ trực tiếp về vốn, khoa học và chính sách để giúp nâng cấp công nghệ, giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp OEM và kết nối các doanh nghiệp thành mạng lưới sản xuất.

Phan Đình Mạnh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook