Thu hút đường bay, hành khách đến Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 11:51:31

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp để mở rộng mạng đường bay đến Cần Thơ và các sân bay thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 6-4-2022, Vietjet công bố khai thác trở lại 10 đường bay đến và đi từ thành phố Cần Thơ - Ảnh: VJ


Về giá dịch vụ điều hành bay và cất, hạ cánh do Nhà nước quy định, Cục Hàng không đề nghị bộ sửa thông tư để áp dụng mức giá dịch vụ với toàn bộ các chuyến bay quốc tế, nội địa đi, đến Cần Thơ cho đến hết năm 2025 bằng 30% khung giá và từ năm 2026 đến hết năm 2030 bằng 70% khung giá.

Áp dụng giá trần vé máy bay hạng phổ thông trên các đường bay nội địa đi, đến Cần Thơ bằng 80% so với khung giá tối đa hiện tại, thí điểm từ nay đến hết năm 2022 để khuyến khích khách nội địa đến Cần Thơ.


Ưu tiên giờ hạ, cất cánh (slot) tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho các chuyến bay đến các sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc (dự kiến từ 1-5-2022).

Xem xét việc nâng cao năng lực phục vụ tại sân bay Phú Quốc như bổ sung quầy làm thủ tục, nhân lực phục vụ…

Sớm đưa sân bay Cần Thơ đảm bảo khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong khung giờ tối.

Sớm có kế hoạch nâng cấp, cải tạo và mở rộng các sân bay Cà Mau, Rạch Giá có khả năng tiếp nhận máy bay Airbues A320, A321 nhằm đẩy mạnh tiềm năng du lịch, kết nối giao thương trong nước và khu vực

Đề xuất áp dụng miễn thị thực đối với hành khách người nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến sân bay Cần Thơ và có kế hoạch lưu trú tại thành phố Cần Thơ tối thiểu 2 đêm như đang áp dụng với các chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc.

Tăng cường xây dựng các chương trình du lịch có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long để phát huy thế mạnh vùng, kết nối sản phẩm du lịch vùng với các địa phương khác để cung cấp cho khách du lịch các sản phẩm đa đạng, đồng bộ.

Trước đó, ngày 8-4 Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu có chính sách giá ưu đãi đối với các đường bay đi, đến sân bay Cần Thơ; đồng thời, nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm các đường bay mới đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sân bay Cần Thơ nói riêng để giảm ách tắc giao thông và tạo điều kiện đi lại cho nhân dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường hàng không.

Theo Cục Hàng không, với lịch bay mùa hè 2022, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 8 đường bay từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang và Huế đến các sân bay thuộc đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá) với 657 chuyến bay khứ hồi/tuần, tăng 351 chuyến bay khứ hồi/tuần so với lịch bay mùa Đông năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19.

Đối với hoạt động bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài như China Southern Airlines (Trung Quốc), Asiana Airlines, Jeju Air, Jin Air (Hàn Quốc) và Vietnam Airlines, Vietjet Air có kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế từ Quảng Châu, Incheon, Singapore đi, đến Phú Quốc từ tháng 5 và 6-2022 với tổng tần suất khai thác 45 chuyến bay khứ hồi/tuần.

Đường bay đi, đến Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau chưa có nhiều khách du lịch

Cục Hàng không nhận định, hiện nay đường bay đến Phú Quốc đang được các hãng hàng không Việt Nam khai thác tương đối hiệu quả (chủ yếu là từ nguồn khách du lịch).

Còn các đường bay đi, đến các sân bay thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại nội tại của người dân khu vực này, chưa có nhiều khách du lịch, chưa thực sự mang lại hiệu quả cho các hãng hàng không.

Các đường bay quốc tế vừa mới trong giai đoạn phát động thị trường 2019-2020 đã vướng đại dịch nên hiện tại bây giờ phải triển khai lại từ đầu.

Thị trường hàng không đang sôi động và hồi phục nhanh hơn một số dự báo. Hãng bay đang đua tuyển người và nâng lương, trong khi nhiều hành khách mua vé sớm để tranh thủ giai đoạn này giá đang rẻ.

Chia sẻ Facebook