Thu hút dòng vốn xanh phát triển bền vững doanh nghiệp nhà nước
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.
Đây cũng là xu hướng phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC mới đây đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội nghị quốc tế "Tăng cường hợp tác với các Quỹ Đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước".
Để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ, các diễn giả tại hội nghị nhấn mạnh tới việc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần phát huy vai trò tiên phong trong hợp tác quốc tế. Bản thân SCIC cũng cho biết đang tích cực kết nối với các quỹ đầu tư quốc gia, để thu hút các nguồn vốn chất lượng cho phát triển xanh .
Ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC, cho biết: "Theo tính toán, từ nay đến 2030 Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD cho phát triển bền vững bền vững. Trong đó, nguồn vốn nội địa chỉ khoảng 30%. Vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư luôn thường trực, luôn xuất hiện trong việc tái cơ cấu DNNN, mua bán sáp nhập, đầu tư với DNNN",
Đại diện nhiều quỹ đầu tư nước ngoài chia sẻ, 3 yếu tố quan trọng để thu hút nguồn vốn xanh là sự ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư thuận lợi, và chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng cả hạ tầng mềm như năng lực thực thi chính sách và chú trọng tính bền vững của các dự án nước ngoài.
Ông Alain Carny, Giám đốc quốc gia Quỹ Jardines Matherson Việt Nam, cho biết: "Việt Nam rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vĩ mô ổn định. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn đầu tư thêm trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, nhưng cần có những hỗ trợ cởi mở hơn như về sở hữu của NĐT nước ngoài tại 1 số lĩnh vực như BĐS, ngân hàng".
Ông Eugene Chua, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jefferies Singapore, nhận định: "Doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường làm việc với cộng đồng các NĐT xanh trên thế giới để có thêm sự gắn bó và đưa ra chính sách tốt, từ đó hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, phù hợp với định hướng tăng trưởng bền vững. Nhiều lĩnh vực được quan tâm như khai thác mỏ, năng lượng sạch".
Nhiều khuyến nghị khác cũng được hội thảo đưa ra, là cơ sở để Việt Nam tham khảo, áp dụng và triển khai trong thực tiễn nhằm đạt được các mục tiêu về cải cách, cơ cấu lại hệ thống DNNN; thu hút vốn, năng lực và công nghệ từ các nhà đầu tư quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, tạo lập và hình thành Quỹ đầu tư thực hiện chức năng nhà đầu tư chính phủ tại Việt Nam.