Thứ "gia vị" được vua Anh yêu thích: Hiếm, giá triệu đô, là chất thải của 1 loài cá biển

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 21:44:08

Thời Trung Cổ, thứ này còn được sử dụng để làm thuốc chữa đau đầu, cảm lạnh.


Hàng nghìn năm trước, long diên hương là thành phần chủ yếu trong nước hoa. Người Ai Cập cổ đại đốt chất này làm hương, còn người Ai Cập hiện đại cho vào thuốc lá. Long diên hương cũng được sử dụng để tạo hương vị cho thức ăn và đồ uống. Một khẩu phần gồm trứng và long diên hương được cho là món ăn yêu thích của Vua Charles II (1630 –1685) của nước Anh.

Trong cà phê Thổ Nhĩ Kỳ và của người châu Âu thế kỷ 18, long diên hương được uống với sôcôla nóng. Thời Trung cổ, chất này được sử dụng như một loại thuốc chữa đau đầu, cảm lạnh, động kinh và một số bệnh khác.

Người Trung Quốc cổ đại cho rằng đó là nước bọt của rồng. Những người khác tin rằng đó là phân chim biển, hoặc một số loại nấm biển. Một người Anh thì tự tin khẳng định rằng đó là những tổ ong được tạo ra trên những tảng đá lớn bên bờ biển và sau đó rơi xuống. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1724, bác sĩ Boston Boylston đã khám phá ra sự thật: Long diên hương là phân hoặc bãi nôn của cá voi.

Long diên hương được cho là chất thải của cá nhà táng. Ảnh: Gabriel Barathieu/Wikimedia

Long diên hương được hình thành trong đường ruột của cá nhà táng (một chi của cá voi). Vì chúng tiêu thụ một lượng lớn mực ống và mực nang, những loài có mỏ cứng và sắc nhọn, nên người ta suy đoán rằng cá voi tiết ra một lớp chất béo bọc quanh phần mỏ khó tiêu hóa đó để giúp ruột và nội tạng không bị thương.

Chất này sẽ bị tống ra khỏi cơ thể, nhưng các nhà nghiên cứu không chắc chắn long diên hương được đẩy ra ra từ miệng hay hậu môn của cá voi. Chuyên gia về cá nhà táng Hal Whitehead của Đại học Dalhousie (Canada) thì cho rằng "mùi của nó giống phân hơn là bãi nôn".

Sau khi được thải ra, long diên hương có màu trắng nhạt, mềm và nhờn với mùi phân nồng nặc. Khối này nổi lên bề mặt đại dương, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nước muối sẽ dần cứng lại, biến thành màu xám đen hoặc đen, kết cấu dạng sáp và giòn, đồng thời trộn lẫn 4 hương vị: Ngọt, đất, biển và động vật. Long diên hương ở trên biển càng lâu thì càng rõ vị biển.

Long diên hương (Ambergris). Ảnh: Peter Kaminski/Flickr

Khi dạt vào bờ, chúng sẽ được thu gom và bán với giá cao vì rất hiếm. Năm 2012, khoảng 453g long diên hương được một cậu bé 8 tuổi ở Anh phát hiện và được cho là trị giá 63.000 USD. Năm 2021, một nhóm 35 ngư dân ở ngoài khơi Yemen đã tìm được một khối nặng 127 kg rồi bán cho một người mua từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với giá 1,5 triệu USD (hơn 34 tỷ VND).

Long diên hương thường có dạng khối nhỏ từ dưới 15g đến 50 kg, nhưng có một khối được tìm thấy ở Indonesia nặng khoảng 635 kg. Theo Christopher Kemp, tác giả của "Floating Gold: A Natural (and Unnatural) History of Ambergris", chỉ có khoảng 1% trong số 350.000 con cá nhà táng trên thế giới tạo ra long diên hương. Hiện long diên hương đang được bán với giá 10.000 USD/pound (khoảng 229,5 triệu/450g).

Cây linh sam balsam với mã gen được cho là có mùi giống long diên hương. Ảnh: Google Images

Do sự khan hiếm và chất lượng không đồng đều, từ năm 1940 các nhà hóa học đã tìm kiếm một giải pháp thay thế, bằng cách tổng hợp các chất ambroxide và cetalox (hai chất có trong xạ hương) để mô phỏng mùi long diên hương. Năm 2012, các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (Canada) đã xác định được một gen trong cây linh sam balsam tạo ra một hợp chất có mùi gần giống long diên hương.

Tuy nhiên, tác giả Christopher Kemp cho rằng phương pháp này vẫn không thể sánh bằng tìm được long diên hương tự nhiên. Long diên hương được sử dụng trong công nghiệp chế tạo nước hoa nhưng theo ông Kemp, hiếm có thứ gì có mùi khó tả trộn lẫn giữa phân và đất lại có thể cho ra mùi xạ hương đặc trưng như chất thải cá voi này. Kemp tin rằng nhiều hãng nước hoa lớn vẫn mua long diên hương thật, nhưng Saskia Wilson-Brown thuộc Viện Nghệ thuật và Phản ứng Khứu giác không đồng tình bởi nguồn cung long diên hương rất khan hiếm.

"Khối đá" này lại giúp giải quyết tới 40% nhu cầu năng lượng toàn cầu, lý do là gì?

Chia sẻ Facebook