Thủ đoạn tinh vi của "bà trùm" trong vụ vận chuyển hơn 30.000 tỷ đồng qua biên giới
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố cặp vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) - Phạm Anh Tuấn (SN 1984, cùng trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 11 đồng phạm trong vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, với số tiền lên đến hơn 30.000 tỷ đồng. Từ đây hé lộ những thủ đoạn "dị" của bà trùm cùng đồng bọn.
Vợ chồng, anh em, họ hàng cùng... "lên thuyền"
Cuối năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội phát hiện một đường dây "rửa tiền" quy mô lớn. Tổ chức điều tra, cơ quan điều tra phát hiện đường dây này đã hoạt động trong một thời gian dài, có hàng chục đối tượng tham gia hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tháng 9-2020, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố nhiều bị can về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Thời điểm đó, vụ án được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá là "nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài; thủ đoạn rất tinh vi, số tiền đặc biệt lớn".
Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của 13 bị can, đã vận chuyển trái phép số tiền lên đến hàng tỷ USD, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Điều đáng nói, trong vụ án này Nguyễn Thị Nguyệt không những đưa chồng, vợ chồng em ruột mà còn cả nhiều người thân, họ hàng tham gia vào đường dây nhằm thu lợi bất chính, cuối cùng bị sa vào vòng lao lý.
Năm 2016, Nguyệt phát hiện nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên đã liên hệ với Phạm Hữu Thuật (SN 1981, thường trú tại Móng Cái, Quảng Ninh) để mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất nhằm mục đích chuyển tiền. Thông qua Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH đầu tư Đại Phát, Nguyệt và Thuật đã hợp thức hồ sơ để chuyển tiền, chuyển hàng hết sức vòng vèo nhằm che giấu hành vi phạm pháp.
Phạm Hữu Thuật và Nguyễn Thị Nguyệt thỏa thuận, mỗi bộ hồ sơ tạm nhập, tái xuất để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Thuật bán cho Nguyệt với giá từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Nguyệt chuyển cho Thuật thông tin công ty nhận tiền và mẫu dấu, chữ ký giám đốc của công ty để Thuật hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa và làm thủ tục kê khai hải quan.
Thuật và Nguyệt cùng nhau chung tiền mua hàng ngàn bộ linh kiện điện tử từ Trung Quốc của người có tên A Vỹ để có hàng hóa làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái, rồi tái xuất sang Trung Quốc cho Công ty Hữu hạn mậu dịch Triều Dương (ở Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc) qua các cửa khẩu do A Vỹ chỉ định. Sau đó chính A Vỹ nhận những kiện hàng này rồi chuyển lại cho Thuật.
Phạm Hữu Thuật đã mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa của Công ty Đầu tư kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Đại Phát với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là 52 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tương đương. Thuật cũng sử dụng công ty này thực hiện thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại năm ngân hàng, số tiền chuyển ra nước ngoài là hơn 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra Thuật còn sử dụng công ty BDA để chuyển hơn 1.300 tỷ đồng. Tổng cộng Thuật và Nguyệt đã thực hiện trót lọt hành vi chuyển ra nước ngoài gần 4.000 tỷ đồng.
Sau phi vụ đầu tiên khá là "ngon lành cành đào", Nguyệt đã nắm được cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên đã cùng chồng là Phạm Anh Tuấn tiến hành "khởi nghiệp". Nguyệt rủ thêm vợ chồng em trai và nhiều người thân trong họ cùng "lên thuyền".
Vợ chồng Nguyệt đã mượn chứng minh thư nhân dân của họ để thành lập đến 8 công ty, với những ngành nghề kinh doanh khác nhau, song đều có chung ngành xuất nhập khẩu. Từ đó Nguyệt sẽ soạn và ký hợp đồng kinh tế, mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan.
Tiếp đó Nguyệt liên hệ với các ngân hàng, lập các tài khoản rồi thực hiện việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài để hưởng lợi 0,1% trên mỗi giao dịch chuyển tiền.
Nhiệm vụ của Tuấn là quản lý, điều hành hoạt động Công ty An Gia Huy và Công ty Thuận An Phát. Cơ quan điều tra xác định Tuấn đồng phạm với Nguyệt đã chuyển trái phép số tiền gần 7.000 tỷ đồng và hưởng lợi gần 7 tỷ đồng.
Hai cánh tay đắc lực giúp sức cho Nguyệt là vợ chồng người em trai Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Thị Nga. Theo chỉ đạo của chị gái, Thắng tìm mua hàng vạn linh kiện IC điện tử từ Trung Quốc với giá 200 triệu đồng, đóng thành 12 thùng có khối lượng 5-6kg. Số hàng này được khai khống giá lên nhiều lần, đồng thời cũng được quay vòng nhiều lần để tạo các bộ tờ khai hải quan, sau đó chuyển cho ngân hàng để thực hiện các yêu cầu chuyển tiền.
Vợ Thắng là Nguyễn Thị Nga được giao thành lập công ty TNHH Thuận An Phát, nhằm làm khống các hợp đồng. Ngoài ra, Nga cũng được Nguyệt giao quản lý theo dõi dòng tiền và cùng với nhân viên khác ra ngân hàng làm thủ tục rút tiền. Nga còn lập sổ sách theo dõi số tiền nhận và chuyển qua ngân hàng mỗi ngày, trả công cho các nhân viên "công ty" theo chỉ đạo của Nguyệt.
Các bị can Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Minh Khang, Phạm Việt Hùng, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Xuân Tươi, Phạm Hồng Hạo đều theo chỉ đạo của vợ chồng Nguyệt để vận chuyển, giao nhận hàng, rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền; lập các hợp đồng kinh tế khống, ký giả chữ ký giám đốc người nước ngoài... nhằm hợp thức hóa các hồ sơ chuyển tiền.
Sau khi hợp thức được hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần chuyển tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng trái phép ra nước ngoài. Cơ quan tố tụng cáo buộc bằng những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.
Nhiều nhân viên ngân hàng cũng "dính chàm"
Trong vụ án này, một số cán bộ, nhân viên các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)... đã tiếp tay giúp vợ chồng Nguyệt chuyển tiền qua biên giới, dưới hình thức thanh toán quốc tế.
Tại MB Bank chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh), nhân viên Phạm Thị Minh Ngân được xác định thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế cho 6 công ty của Nguyệt thành lập. Tuy nhiên, do đây là ngân hàng quân đội nên Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ của Ngân cho Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Hiện Ngân đã bị khởi tố về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tại Sacombank chi nhánh Móng Cái, hai nữ nhân viên đã cùng Nguyệt làm hồ sơ, in lệnh chuyển tiền và được "bồi dưỡng" tổng cộng 80 triệu đồng. Tuy vậy, cơ quan chức năng xác định hai người này "không biết việc chuyển tiền trái phép" nên không đề cập xử lý.
Còn tại VPBank chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh) cơ quan tố tụng xác định, dù biết Nguyệt sử dụng các công ty "ma" để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, nhưng Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1993, thường trú tại phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long - phụ trách khách hàng doanh nghiệp) và Phan Ngọc Duy (SN 1982, trú tại thành phố Hạ Long - là Phó giám đốc chi nhánh Móng Cái) vẫn đồng ý thỏa thuận làm các giấy tờ khống, phê duyệt hồ sơ, giúp chuyển hơn 6.400 tỉ đồng.
Nguyệt sử dụng pháp nhân các công ty Phúc Linh, Hải Bối, An Gia Huy, Thuận An Phát và Minh Lâm để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài qua VPBank chi nhánh Móng Cái. Sơn và Nguyệt thỏa thuận, để tiện cho giao dịch, làm thủ tục chuyển tiền trái phép cho các công ty của Nguyệt, Sơn trực tiếp liên hệ với Phạm Việt Hùng, Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Minh Khang (là nhân viên dưới trướng của Nguyệt) để nhận giấy A4 ký đóng dấu sẵn (ký khống) của các công ty, nhận nội dung phụ lục hợp đồng, thay đổi đối tượng thụ hưởng (bên thứ 3) qua email; nhận hồ sơ đề nghị thanh toán qua bưu điện. Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế Sơn được hưởng lợi số tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/1 triệu USD. Tổng số tiền Sơn hưởng lợi là khoảng 70 triệu đồng.
Phan Ngọc Duy là người phê duyệt các hồ sơ thanh toán quốc tế cho năm công ty do Nguyệt thành lập. Duy biết hồ sơ các công ty do Nguyệt gửi thanh toán qua VPBank để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài do các công ty gửi hồ sơ thanh toán đều do Nguyệt là người liên hệ để chuyển hồ sơ. Nguyệt và Duy thỏa thuận số tiền Duy được hưởng trên mỗi giao dịch là 500.000 đồng/1 triệu USD. Tổng số tiền Duy được hưởng lợi khoảng 200 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, lời khai của Sơn và Duy phù hợp với lời khai của Nguyễn Thị Nguyệt. Sao kê tài khoản xác định Nguyễn Thị Nguyệt thông qua Nguyễn Ngọc Sơn và Phan Ngọc Duy chuyển trái phép tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Hành vi của Sơn và Duy cấu thành tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Sơn và Duy đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Cuối năm 2021, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Sơn 5 năm tù và Duy 4 năm 6 tháng tù cùng về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới". Cùng trong phiên xử, Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã phải nhận bản án nghiêm khắc từ HĐXX. Thời gian sắp tới, Nguyệt sẽ phải tiếp tục đứng trước vành móng ngựa, cùng 12 bị cáo trong vụ vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ trên.