Thủ đoạn 7 công ty dùng 'tra tấn tinh thần' khiến con nợ khiếp sợ
Mỗi ngày, chị Thắm và người thân nhận hàng trăm cuộc gọi đe doạ "sẽ đến tận trường học giết các con mày nếu không trả nợ".
Các cuộc gọi bắt đầu xuất hiện từ khi chị Thắm, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mất khả năng thanh toán khoản vay 100 triệu đồng qua app của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam.
Chị vay 100 triệu đồng nhưng chỉ nhận 93 triệu và sau khi trả 24 triệu thì cạn kiệt tiền. Suốt hơn một tháng sau đó, ngày nào Thắm và người thân, bạn bè, giáo viên của con... đều nhận hàng trăm cuộc gọi đe doạ. Việc này nhằm ép chị trả thêm 149 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Mỗi ngày, nhóm đòi nợ lại "nâng cấp độ" đe doạ uy hiếp tinh thần. Để cuộc sống của gia đình và những người không liên quan được yên ổn, chị trả thêm 84 triệu đồng và xin trả góp nốt số tiền còn lại.
Nạn nhân của đòi nợ "xã hội đen" như trên không phải là ít. Giữa năm 2022, khi con của một nữ kiểm sát viên vay tiền qua app của Mirae Asset song chưa trả hết, chị cùng các đồng nghiệp tại Viện kiểm sát liên tục bị gọi điện thoại chửi bới. Thậm chí, nhóm đòi nợ còn cắt ghép ảnh sếp Viện kiểm sát vào hình ảnh đồi truỵ để gia tăng sức ép với gia đình chị.
"Chúng muốn những người không liên quan phải tác động đến con nợ buộc trả tiền, nếu muốn cuộc sống của tất cả mọi người được yên ổn", một điều tra viên cho hay.
Cũng là người vay tiền qua app của Mirae Asset vào tháng 7/2022, anh Hải được nhóm đòi nợ thông báo "đã mua lại khoản nợ" từ công ty này, yêu cầu anh trả nốt 175 triệu đồng. Khi không thể trả đúng hẹn, anh Hải cùng người thân liên tục bị các số máy lạ gọi đe doạ. Chúng cắt ghép hình ảnh đồi truỵ và các thông tin sai sự thật gán vào người nhà anh Hải rồi phát tán trên mạng xã hội qua các tài khoản ảo.
Đỉnh điểm vào cuối tháng 9/2022, nhiều giáo viên trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, bị nhóm đòi nợ gọi điện chửi bới, ép các cô giáo phải cho con anh Hải nghỉ học. Mọi việc chỉ yên ổn khi anh Hải vào TP HCM trả nốt 103 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (PC02) xác định nhóm đòi nợ này xuất phát từ một công ty mua bán nợ ở TP HCM. Chúng thường mua lại các khoản nợ mà khách hàng đã vay nhưng chưa đòi được của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam và một số tổ chức tín dụng. Giá mỗi khoản nợ bằng 12-15% tổng số tiền khách nợ.
Giám đốc điều hành và quyết định mọi vấn đề là Trần Hồng Tiến, 49 tuổi, ngụ TP HCM. Để tránh bị phát hiện, nhóm lập 7 công ty dưới dạng công ty luật, mua bán nợ, dịch vụ tài chính và đặt trụ sở tại tầng 4 chung cư Lữ Gia, số 70 Lữ Gia, quận 11. Sau khi có thông tin khách hàng và khoản nợ mua từ Mirae Asset, bộ phận vận hành sẽ cập nhật thông tin khoản vay vào hệ thống công ty. Sau đó, chúng chia các gói vào từng tài khoản của nhân viên thu hồi nợ.
120 người làm việc ở đây được chia thành các bộ phận nhân sự, kế toán, vận hành, kỹ thuật, thu hồi nợ. Trong đó, bộ phận thu hồi nợ có số nhân viên đông nhất với 103 người, chia thành 11 tổ, có nhiệm vụ gọi điện thoại đòi tiền.
Thủ đoạn chung là dùng nhiều sim rác để liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa người thân, đồng nghiệp của con nợ. Đặc biệt, chúng "khủng bố tinh thần" cả những người không liên quan người vay để gia tăng sức ép.
Khách nếu đồng ý trả tiền sẽ được hướng dẫn trả trực tiếp tại văn phòng hoặc chuyển vào 4 tài khoản của công ty. Hàng tháng công ty sẽ cấp cho mỗi nhân viên khoảng 500 thông tin khách hàng. Ngoài lương cứng, nhân viên được hưởng % trên tổng số tiền đòi được, mức thấp nhất là 0,3% nếu đòi được 35 triệu đồng.
Mỗi nhóm phải đòi được 300 triệu đồng/tháng. Nếu nhân viên nào hai tháng liên tiếp không đòi đủ tiền sẽ bị đuổi việc.
Thu mua hơn 3.500 tỷ đồng nợ khó đòi
Sau hơn 3 tháng trinh sát, ngày 20/2, hơn 100 chiến sĩ PC02, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ đã triệt phá băng nhóm Trần Hồng Tiến. Cảnh sát thu gần 600 triệu đồng, 215 điện thoại và các tài liệu liên quan, phong toả 4 tài khoản của công ty với trên 2 tỷ đồng.
Việc trích xuất dữ liệu cho thấy từ tháng 7/2018 đến đầu năm 2023, các công ty của Tiến đã thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay tiền của khách với tổng dư nợ hơn 3.500 tỷ đồng. Trong số này, họ đã đòi được gần 600 tỷ đồng.
Hiện, Công an Hà Nội đã khởi tố 31 người về tội Cưỡng đọat tài sản và đang mở rộng điều tra.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng phát hiện thêm 15 công ty luật và công ty mua bán nợ có dấu hiệu đòi nợ thuê. Cơ quan điều tra đánh giá hoạt động đòi nợ thuê dưới vỏ bọc các công ty luật, công ty mua bán nợ ngày càng gây bức xúc với người dân. Từ khi ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị "khai tử", họ hoạt động dưới các vỏ bọc pháp nhân mới.
* Tên nạn nhân đã thay đổi.