Thu 1.300 tỷ USD trong 4 năm tới từ dầu mỏ nhưng rất có thể đây có thể là cơ hội làm giàu cuối cùng của các quốc gia vùng Vịnh
Nhu cầu dầu mỏ từ các quốc gia Trung Đông bùng nổ và giá dầu liên tục lập đỉnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các quốc gia vùng Vịnh cần nắm bắt cơ hội này và thay đổi nền kinh tế bởi xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trên toàn thế giới và nhu cầu dầu thô sẽ suy giảm. Đây có thể là sự bùng nổ cuối cùng của thị trường dầu và Trung Đông cần tận dụng cơ hội này.
Dầu thô Trung Đông bùng nổ trở lại
Sự khan hiếm dầu mỏ và nguồn cung từ Nga bị gián đoạn đã khiến các quốc gia Trung Đông vốn giàu năng lượng một lần nữa trở nên giàu có một cách ngoạn mục bằng việc kiếm bộn tiền từ xuất khẩu dầu.
Giá năng lượng tăng một cách đột biến thời gian gần đây đã đưa các quốc gia vùng Vịnh thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài trong vòng gần một thập kỉ qua, khiến họ phải cắt giảm chi tiêu và thâm hụt ngân sách khi kinh tế suy thoái.
Trong quá khứ, các quốc gia vùng Vịnh đã trải qua những đợt bùng nổ dầu mỏ tương tự trong những năm 1970 và 1980, và sau đó là một đợt bùng nổ khác vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, sự chuyển hóa sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế cho dầu mỏ - xu hướng của nhiều quốc gia hiện nay đang cho thấy rằng những "cơn sóng" trong nhu cầu dầu sẽ không còn và các quốc gia vùng Vịnh cần chuẩn bị cho điều đó.
Các quốc gia phương Tây đang nỗ lực hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, điều mà ngày nay dường như cấp bách hơn bao giờ hết khi xung đột tại Ukraine làm gián đoạn nghiêm trọng các kênh cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên quan trọng của châu Âu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, các nhà xuất khẩu năng lượng Trung Đông dự kiến sẽ thu về 1,3 nghìn tỷ USD doanh thu trong 4 năm tới nhờ dầu mỏ mang lại. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo rằng họ không nên lãng phí nó và cần lên kế hoạch để tự bảo vệ mình trước những biến động của giá dầu bằng cách sử dụng nguồn lợi nhuận đó để đa dạng nền kinh tế của họ khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ trước đây, các quốc gia vùng Vịnh được coi là đã phung phí tài sản của mình vào những khoản đầu tư lãng phí và kém hiệu quả như xây dựng các công trình, mua vũ khí hoặc các khoản phân phát cho người dân. Sau đó khi giá dầu hạ nhiệt, các quốc gia này lại tiếp tục rơi vào suy thoái.
Một báo cáo tháng 5 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng sự giàu có mà các nước vùng Vịnh thu được sau đại dịch và sau xung đột Ukraine phải được đầu tư vào quá trình chuyển đổi kinh tế và môi trường của khối. Báo cáo cho biết, việc tập trung đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng bởi nhiều nơi trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhanh hơn bao giờ hết, điều này đồng nghĩa với nhu cầu dầu thô sẽ giảm dần theo thời gian.
Nhu cầu dầu trong tương lai gây tranh cãi
Trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của mình, các quốc gia vùng Vịnh đã thực hiện áp dụng thuế giá trị gia tăng và UEA đã tiến xa hơn bằng cách đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước đó không có một quốc gia vùng Vịnh nào có thuế thu nhập. Ngoài ra, Saudi Arabia đã và đang đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch, tuy nhiên tiềm năng từ ngành này vẫn đang đặt ra câu hỏi lớn rằng liệu có bù đắp được doanh thu từ dầu mỏ.
Họ cũng đẩy lùi quan điểm về việc chuyển đổi năng lượng và cho rằng dầu mỏ vẫn đang và sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, và giữ vững quan điểm đây là loại nhiên liệu không dễ dàng gì có thể thay thế. Quan điểm này đã vấp phải sự phản đối của các nhà kinh tế nhưng các quốc gia vùng Vịnh cho rằng khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris tuần trước cho biết nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm tới, được thúc đẩy bởi việc dỡ bỏ phong tỏa tại Trung Quốc và các nhu cầu du lịch tăng mạnh trên toàn cầu. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một trong những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã cảnh báo rằng việc chuyển đổi năng lượng quá nhanh có thể gây ra khủng hoảng kinh tế.
Ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên của UAE về biến đổi khí hậu đã viết trong một bài báo hồi tháng 8 rằng: "Các chính sách nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch quá sớm mà không có các giải pháp thay thế khả thi thích hợp là tự thất bại. Chúng sẽ phá hoại an ninh năng lượng, làm xói mòn sự ổn định kinh tế."
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng các quốc gia vùng Vịnh nhận ra rằng ngay cả khi nhu cầu dầu tiếp tục tăng cao, sự biến động giá cả mạnh như vừa qua sẽ không xảy ra lần nữa với mức độ hoặc tần suất tương tự.
Ông Al-Ubaydli cho biết: "Tôi có một cảm giác rằng đây chỉ là sự bùng nổ nhất thời và đây có thể là sự gia tăng cuối cùng của giá dầu. Các Chính phủ và người dân đều cảm thấy rằng đây là một cơ hội cần phải được khai thác tối đa thay vì chỉ đưa ra những quyết định một cách phi lí."
Tham khảo: CNN