Thót tim cô gái Việt treo dây ngủ qua đêm giữa vách đá dựng đứng
Buộc người vào những sợi dây cáp sau đó từ từ thả mình xuống vách núi. Thùy Dương nằm trên chiếc "giường" cheo leo của mình đọc một chương sách, uống một lon bia.
Bạn bè bảo Dương "không biết sợ là gì", cô gật đầu, tặc lưỡi nói "ừ đúng". Nhưng ít ai biết, mọi trải nghiệm du lịch mạo hiểm, kể cả việc cô mang "giường" ra giữa vách đá cheo leo để nằm ngủ qua đêm, cũng nằm trong sự tính toàn và rèn luyện một cách bền bỉ.
Trần Thùy Dương (33 tuổi), một nhân viên văn phòng bình thường, làm việc 8 tiếng mỗi ngày ở Hà Nội. Dương là một bà mẹ đơn thân, trong tuần, sau giờ làm, cô tất bật như bao bà mẹ khác đi đón con, dạy con học, nấu ăn và chăm sóc bố mẹ… Nhưng cứ đến cuối tuần, cô "lên đồ" một mình đi leo núi.
Đối với Dương, trekking không chỉ là hoạt động du lịch mà là một thói quen, được duy trì hơn 5 năm nay. Cô liên tục rèn luyện bản thân và đặt ra cho mình những thử thách mới.
Cuối tháng 4 vừa qua, Thùy Dương có chuyến khám phá tới thung lũng Lân Tu (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Đây là một hành trình du lịch mạo hiểm với đa dạng các trải nghiệm như: Trekking (đi bộ đường dài), đu dây, chèo SUP (là một bộ môn thể thao có nhiều tên gọi như chèo ván đứng, ván lướt sóng có mái chèo), thám hiểm hang động và đặc biệt là camping trên vách đá "có một không hai".
Cliff camping (cắm trại trên vách đá cao) không còn xa lạ ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại chưa thực sự phổ biến. Số tour cung cấp dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay và số người dám thực hiện cũng chưa nhiều.
Thùy Dương là một trong những cô gái Việt Nam đầu tiên "chơi" cliff camping. "Trước đây tôi từng xem những hình ảnh hay thước phim ngắn về kiểu ngủ trên dây như thế này, nhưng chỉ ở trên mạng và ở nước ngoài thôi. Tôi đã mơ ước một ngày được như những người trong hình đó, và có lẽ sẽ phải rất lâu nữa, tôi mới có thể thực hiện được. Nhưng giờ đây thật khó tin là tôi đã làm được, và làm nó ngay ở Việt Nam", Thùy Dương nói.
Buổi sáng ngày xuất phát, bà mẹ đơn thân dậy từ 6 giờ sáng để chuẩn bị cho hành trình mơ ước của mình. Đồ trekking gồm những thứ cơ bản: Hai bộ quần áo thể thao, đồ dùng cá nhân, thuốc men, một quyển sách đang đọc dở và một loại đồ uống yêu thích.
Với kinh nghiệm hơn 5 năm leo núi, Thùy Dương có tâm lý hoàn toàn thoải mái trước chuyến đi. Tuy nhiên, hoạt động cliff camping là lần đầu thực hiện nên đã "tiêu tốn" của cô hàng tháng trời tập luyện.
Bao gồm: tập gym cường độ cao để rèn luyện sức khỏe; tham gia các khóa đào tạo, tập luyện với thiết bị đu dây; học những kỹ năng cần thiết cho việc đu dây lên xuống và ở trên dây.
"Đối với tôi, an toàn luôn là yếu tố ưu tiên hàng đầu cho tất cả mọi chuyến đi. Tôi đã mất nhiều năm nghiên cứu về cliff camping. Khi quyết định thử thách bản thân tôi cũng lao vào tập luyện để đạt được sức khỏe tối đa nhất. Đây không phải là hoạt động mà chỉ cần thích thì bạn sẽ làm được", Thùy Dương chia sẻ.
Chuyến đi kéo dài 2 ngày 2 đêm, xuất phát từ 19h00 tối từ Hà Nội, khoảng 23h00 đêm thì tới Lạng Sơn. Sau một đêm nghỉ, sáng hôm sau cả đoàn bắt đầu cùng nhau trekking, đi bộ xuyên khu rừng đặc dụng Hữu Liên.
Nơi đây có thảm thực vật đa dạng với suối ngầm, hồ nước và đặc biệt là rừng ngập mặn theo mùa. Vào mùa khô có thể đi trekking, còn vào mùa mưa, nước dâng ngập cả khu rừng sẽ thích hợp để chèo SUP hoặc đi cano.
Tiếp đến, Dương và cả đoàn vượt qua những dốc đá, chinh phục thử thách đu dây từ trên cao ở núi Mắt Thần. Sau đó là thám hiểm hang sâu và cắm trại qua đêm tại một bãi cỏ ngay trong thung lũng.
"Ngày đầu tiên kết thúc nhẹ nhàng", Dương kể.
Điểm được lựa chọn để thực hiện cliff camping là núi Mắt Thần (thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng). Đây là đỉnh núi có hình dáng độc đáo như một con mắt khổng lồ, bề mặt địa chất tương đối gồ ghề.
Thiết bị cliff camping được đơn vị tour chuẩn bị. Chiếc giường đặc biệt nặng 15kg được bao bọc bởi những sợi dây kéo chắc chắn, cố định bằng cả xích sắt và các dụng cụ khác nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối.
Chính Thùy Dương nằm trên đó cũng sẽ được "buộc" vào thân mình một sợi dây ngay cả khi cô ngủ, để đảm bảo an toàn.
Từ từ thả mình xuống vách núi rồi nằm yên vị trong chiếc giường, Thùy Dương không thể tin nổi là mình đã thực hiện thành công ước mơ suốt mấy năm trời. "Cảm giác thật đã khi thấy bên dưới là thung lũng, bao quanh là núi rừng. Tôi nằm đây hít thở và thong thả đọc hết một chương sách", nữ du khách kể.
Vách đá thoạt nhìn có vẻ trơ trọi nhưng điều tuyệt vời khi ngủ trên vách đá trong rừng là bạn có cơ hội làm quen với những người hàng xóm kỳ lạ, là những loài chim rừng đủ màu sắc.
"Vậy lúc cần thì đi vệ sinh ở đâu? Ăn uống như thế nào?" là câu hỏi mà Thùy Dương được hỏi nhiều nhất.
Phía trên đỉnh núi tại nơi dựng "giường" luôn có một lều trại giống như chiếc kho chứa thiết bị, thực phẩm… Tại khu đó cũng có nhà vệ sinh riêng do đơn vị tour dựng lên. Khách cắm trại ở vách núi khi cần sẽ phải đu dây lên đỉnh núi.
Thùy Dương cho biết, trong ngày cô cũng phải đu dây lên vài lần, tuy nhiên, thao tác này đều đã được tập huấn trước chuyến đi nên cô không gặp khó khăn gì.
Đúng như những gì đã biết về cliff camping, Thùy Dương cảm thấy trải nghiệm du lịch mạo hiểm đã được nâng lên một tầm cao mới. Nó kích thích sự tò mò, làm dấy lên nỗi lo sợ nhưng lại cho người "thực chiến" một cảm giác rất đã, vô cùng thỏa mãn khi nằm giữa thiên nhiên.
Sau chuyến đi Hữu Lũng (Lạng Sơn) hai tuần, Thùy Dương tiếp tục chinh phục hành trình cliff camping tại thác Phi Liêng, Lâm Đồng. Vị trí cắm trại có độ cao 115m.
Khái niệm cắm trại trên vách đá được biết đến lần đầu khi Tommy Caldwell và Kevin Jorges hoàn thành kỳ tích leo "Bức tường Bình Minh" - một trong những vách đá khó leo nhất thế giới ở El Capitan (California, Mỹ) - năm 2015.
Loại hình này không dành cho tất cả mọi người, đa phần đều cảm thấy chóng mặt và lo sợ trước không gian quá chênh vênh. Để tham gia được trải nghiệm Cliff camping du khách cần có một tinh thần thép, không mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch và phải có kỹ thuật đu dây thật tốt.
Đây là trải nghiệm du lịch mạo hiểm nên du khách cần tham gia với sự giám sát liên tục của các chuyên gia. Tuyệt đối không tự ý thực hiện.