Thông tin mới nhất vụ bác sĩ bị đâm, nguyên nhân do đâu?
“Một năm trước đây họ được tung hô như những người anh hùng vậy mà gần đây liên tiếp xảy ra những vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế”…
Từng là một trong những nạn nhân của vụ hành hung bác sĩ 11 năm trước tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết: “Rất buồn” khi đọc được thông tin bác sĩ cấp cứu lại bị tấn công.
Ký ức về vụ hành hung bác sĩ xảy ra ngày 2/3/2011 lại trở về, PGS.TS Hoàng Bùi Hải khi ấy đang công tác tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Người nhà đã lao vào hành hung bác sĩ nội trú đến ngất xỉu khi bác sĩ này giải thích tình trạng mẹ anh ta rất nặng có nguy cơ tử vong cao. Không dừng ở đó, thấy đồng nghiệp bị đánh, BS Hoàng Bùi Hải đã ra can ngăn thì cũng bị tấn công luôn, sau đó tấn công cả bảo vệ và công an phường.
“Tôi đã phải tạm dừng công việc cấp cứu để báo lãnh đạo khoa, bệnh viện. Sau đó là rất nhiều báo chí phỏng vấn, nhiều cuộc họp, nhiều lời động viên hỏi thăm từ đồng nghiệp… Chúng tôi được gửi đi giám định thương tật, nhưng chưa đủ 11% … vì thế sau 2 tháng chúng tôi được mời đi nghe hoà giải”, PGS. TS Hoàng Bùi Hải ngậm ngùi.
Ông cũng cho biết, sau vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai thì hàng loạt vụ hành hung bác sĩ đã xảy ra như nhận định trước đó là nếu sự việc giữa thủ đô mà không giải quyết được đến nơi đến chốn thì sẽ còn nhiều việc tương tự sẽ diễn ra ở cả nước.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, do hiện nay chưa có hành lang pháp lí bảo vệ nhân viên y tế, như một số ngành nghề khác - hành hung nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ là chống người thi hành công vụ (được quy định trong luật hình sự).
Thứ hai, niềm tin của người bệnh/người dân với cán bộ y tế giảm sút.
Thứ ba, nhận thức một bộ phận người dân không phù hợp với đạo lý, thuần phong, mỹ tục;
Thứ tư, áp lực bệnh nhân quá lớn tại bệnh viện;
Thứ năm, một số nhân viên y tế còn ít kinh nghiệm;
Thứ sáu, lãnh đạo bệnh viện, ngành chưa quan tâm với ngành cấp cứu, trong đó có ngành cấp cứu trước viện (khi người bị bệnh được xử trí ngay tại nhà, tại hiện trường và đưa đến cấp cứu bằng xe cứu thương, họ cũng đỡ bức xúc hơn, đỡ trút giận vô cớ lên nhân viên y tế).
Từ những nguyên nhân nêu trên, để ngăn chặn tình trạng hành hung nhân viên y tế PGS. TS Hoàng Bùi Hải cho rằng các nhà trường/bệnh viện cần đào tạo, tập huấn nhân viên có tính chuyên nghiệp hơn; Quan tâm đến đời sống, đãi ngộ anh em làm ở khu vực cấp cứu; Xây dựng, tổ chức lại hệ thống cấp cứu trước viện bài bản hơn;
Bệnh viện cũng cần tổ chức, bố trí nơi tiếp đón cấp cứu rộng rãi, thoáng mát, an toàn, thuận lợi; Hỗ trợ sẵn sàng giường, lưu thông bệnh nhân cấp cứu tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn lên các khoa lâm sàng, can thiệp; Cũng cần phải được bảm bảo an ninh trong bệnh viện, hướng dẫn nhân viên về các nguyên tắc an toàn, có hỗ trợ của công an chuyên nghiệp, có trang bị Code Grey, Code white như một số bệnh viện phía nam; Có quy trình giải thích thường xuyên, nhất là ước tính thời gian phải chờ đợi;
“Cần tuyên truyền luật pháp cho người dân và đặc biệt có luật bảo vệ nhân viên y tế khi đang thực thi nhiệm vụ nghiêm hơn, cụ thể hơn, xếp vào tội chống người thi hành công vụ như một số nghề khác”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.
Trước đó, vào trưa 6/8, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) thông tin, nơi đây tiếp tục xảy ra một vụ bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ cứu người. Người bị hành hung là bác sĩ T., công tác tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, chỉ số oxy trong máu (SpO2) chỉ còn 61% và phải thở qua mặt nạ.
Thời điểm xảy ra sự việc, bệnh nhân muốn đi tiểu nhưng với tình trạng sức khỏe như trên, chị này không thể tự đến nhà vệ sinh được, di chuyển có thể khiến bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở.
Do đó, điều dưỡng đã mang bô tiểu đến, giải thích cho thân nhân và hướng dẫn đi tại giường. Tuy nhiên, người con trai đi cùng không đồng ý, chửi bới và yêu cầu phải có bác sĩ dắt bệnh nhân đi vệ sinh. Yêu cầu không được bác sĩ T., người đang trực đáp ứng.
Sau đó, người con trai đi ra ngoài và bất ngờ quay lại với vật sắc nhọn trong tay, tìm cách đâm vào hông bác sĩ đang cấp cứu mẹ mình. May mắn là nhân viên y tế phát hiện và né tránh kịp thời.
Nhận tin báo sự việc, Công an phường 7, quận Bình Thạnh đã tạm giữ người có hành vi tấn công bác sĩ, đưa về trụ sở lấy lời khai. Trong khi đó, bệnh nhân suy hô hấp đã được cho nhập viện điều trị tiếp, chưa thu viện phí.
Riêng bác sĩ T. dù bị cú sốc bị hành hung vẫn gắng tiến hành thủ tục giao bệnh nhân cho đồng nghiệp ở khoa khác tiếp tục điều trị, chăm sóc.
Hơn một tuần trước, bác sĩ tên P.H.Th., công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng bị một người đàn ông tên Đ.Q.B. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bóp cổ, dọa đánh chết khi đang trực cấp cứu. Lý do được đưa ra là con ông B. hóc xương nhưng phải chờ 30 phút để bác sĩ chuyên khoa xuống xử lý. Ông B. sau đó thừa nhận hành vi và mong được bác sĩ tha thứ.
N. Huyền