Thông tin đáng ngại từ CDC TP.HCM về dịch sốt xuất huyết

Chia sẻ Facebook
14/11/2022 16:59:17

Số ca bệnh tăng gấp 7 lần với cùng kỳ năm 2021. Số ca bệnh nặng và tử vong cũng tăng cao. Chuyên gia y tế cảnh báo, dịch sốt xuất huyết còn diễn tiến rất phức tạp, cộng đồng cần nhận biết dấu hiệu trở nặng để nhập viện kịp thời.


Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM ngày 14/11 cho biết, tính đến hết tuần 45 trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 72.091 trường hợp mắc bệnh SXH. Số ca bệnh đã tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt số ca bệnh nặng ở mức cao với 1.670 trường hợp, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết chiếm 2,3%.

Bệnh SXH đa phần ở thể nhẹ, có thể điều trị tại nhà và tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng, tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm.

Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã có 29 trường hợp tử vong vì SXH, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Số ca bệnh nặng, tử vong do SXH trên địa bàn TPHCM đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước


Tuần qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh tại 46 phường xã thuộc 16/22 quận huyện và thành phố Thủ Đức, tăng 3 ổ dịch mới so với tuần trước.

Hiện nay, ngành y tế TPHCM đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống SXH như vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, tăng cường truyền thông đến cộng đồng. Số ca bệnh mới nửa đầu tháng 11/2022 so với tháng trước đã có xu hướng giảm, tuy nhiên trường hợp bệnh nặng vẫn ở mức cao.

Theo BS Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM, sau thời gian dài phòng chống dịch COVID-19, các nguồn lực, phương án phòng chống dịch SXH khó tập trung ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, sự chủ quan của cộng đồng trong phòng chống SXH và không nhận biết được dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng là một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH diễn biến phức tạp, gia tăng số ca tử vong.

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi dập dịch SXH tại ổ dịch mới phát sinh


BS Hữu Khanh cho biết, bệnh SXH biểu hiện dễ nhận biết nhất là tình trạng sốt, cơ thể bệnh nhân có thể bị xuất huyết rõ hoặc kín đáo. Bệnh nhân thường bị sốt cao, khi hết thuốc hạ sốt cơ thể sẽ bị sốt trở lại, kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Trong 2 ngày đầu, các dấu hiệu của bệnh khó có thể chẩn đoán chính xác là SXH. Một số trường hợp trở nặng sau khi hết sốt, bệnh nhân trở nặng thường kèm theo các triệu chứng nhức mắt, đau đầu, mỏi cơ, nôn ói.

Mặt khác, nhiều trường hợp có thể trở nặng, chuyển sang nguy kịch với biểu hiện đau bụng vùng gan, xuất huyết âm đạo (ở bệnh nhân nữ), đi cầu ra máu, li bì, tay chân lạnh… Khi gặp các dấu hiệu gợi ý trên, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ Facebook