Thông qua chủ trương xây dựng dự án Vành đai 3 kết nối TP Hồ Chí Minh với các địa phương khác
Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Với tỷ lệ 95,38% (475/478 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành), Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Tuyến đường dài khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng.
Trước khi Nghị quyết được thông qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Về tính cấp bách của Dự án, UBTVQH cho biết, theo quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án phải đầu tư hoàn thành trước năm 2020, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng khép kín toàn tuyến. Trong khi, hạ tầng giao thông cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.
Do đó, việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo giải pháp hữu hiệu phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.
Về lý do đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được đề xuất phương thức đầu tư PPP, trong khi đó đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh lại được đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công, UBTVQH báo cáo: Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đã được Chính phủ nghiên cứu để đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên theo tính toán thì thời gian hoàn vốn của Dự án cần khoảng 28 năm dẫn tới việc đầu tư theo phương thức PPP là khó khả thi nên không có nhà đầu tư tiềm năng quan tâm tham gia đầu tư. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, trong khi đó, Dự án có tính chất quan trọng, cấp bách, vì vậy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.
Một số ý kiến cho rằng phương án đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 19,75m, không có làn dừng xe khẩn cấp sẽ khó bảo đảm an toàn giao thông, dễ xảy ra tình trạng ùn tắc. Có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với những đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
UBTVQH nêu rõ: Trong thời gian đầu khi lưu lượng giao thông chưa quá cao, việc đầu tư theo phương án phân kỳ bề rộng nền đường mặt cắt ngang 19,75m sẽ phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh để thuận lợi cho việc mở rộng về sau và bảo đảm tầm nhìn dài hạn. Để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách để bảo đảm giao thông được thông suốt.
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, căn cứ theo nhu cầu vận tải thì việc đầu tư giai đoạn 1 với quy mô phân kỳ là phù hợp. Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho thấy đến năm 2045 mới cần thiết nghiên cứu mở rộng hoàn chỉnh. Do vậy, UBTVQH kiến nghị Quốc hội đầu tư Dự án theo quy mô phần kỳ theo đề xuất của Chính phủ.
Theo Tạ Hiển