Thông đường cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc
Thống nhất tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại thường niên tại các tỉnh có chung biên giới nhằm tạo thêm cơ hội gặp gỡ giao thương, xuất khẩu nông sản.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc thực hiện Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31/5/2023 chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tiềm năng giao thương nông sản Việt Nam - Trung Quốc
Văn bản nêu rõ, được sự đồng ý của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với Chính quyền nhân dân, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chỉ đạo tổ chức diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc qua hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.
Tham gia diễn đàn kết nối giao thương có đại diện 17 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản lớn từ các vùng miền trong cả nước và trên 117 doanh nghiệp Trung Quốc.
Tại các cuộc hội đàm với Lãnh đạo Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, trên cơ sở nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã trao đổi cởi mở, chân thành và đã đạt được một số kết quả.
Trước mắt hai bên thống nhất chỉ đạo các đơn vị Hải quan, kiểm dịch 2 bên cửa khẩu có cơ chế thường xuyên giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin phối hợp thông quan nhanh chóng, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng tươi sống vào vụ thu hoạch nhằm giảm ùn ứ, thúc đẩy giao thương nông lâm thuỷ sản thông qua các cửa khẩu hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.
Hai bên nhất trí chỉ đạo tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại biên giới luân phiên hàng năm tại Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh của Việt Nam có chung biên giới nhằm tạo thêm cơ hội gặp gỡ giao thương giữa doanh nghiệp 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh biên giới nói riêng, cả nước nói chung.
Để gia tăng sự gắn kết và chủ động của doanh nghiệp 2 nước, hai bên thống nhất chủ trương về xúc tiến thành lập 2 Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây và Việt Nam - Vân Nam.
Về lâu dài, hai bên nhất trí giao đơn vị đầu mối căn cứ ý kiến thống nhất tại cuộc hội đàm để khẩn trương trao đổi hoàn thiện tiến đến ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với Chính quyền Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào 9/2023 nhân dịp Hội chợ Trung Quốc – ASEAN.
Nội dung bao gồm chia sẻ thông tin; hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp; thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng hai bên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại các buổi làm việc với Lãnh đạo Hải quan hai tỉnh, hai bên đã thống nhất được nhiều nội dung. Đầu tiên, một số giải pháp nhằm tăng năng lực thông quan (tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên; hợp tác xuất nhập khẩu một cửa một điểm dừng; thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau; nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm…).
Thứ hai, cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông lâm thủy sản.
Thứ ba, tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa Cục Hải quan Quảng Tây, Vân Nam với Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất nhập khẩu và định hướng triển khai trong năm tiếp theo.
Cuối cùng, phối hợp đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm bổ sung các mặt hàng trái cây, thủy sản; bổ sung doanh nghiệp nông sản, thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như cho phép thủy sản sống của Việt Nam xuất qua cửa khẩu của tỉnh Vân Nam.
Với những kết quả trên, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như những nội dung đã thống nhất với phía bạn.
Doanh nghiệp trong nước không nên chủ quan
Chia sẻ với báo chí về kết quả chuyến công tác thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam – Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam đã có những trao đổi cởi mở và cam kết coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của hai tỉnh này.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch rất rõ rệt. Chính phủ và doanh nghiệp hai bên đều coi nhau là đối tác thương mại quan trọng”.
Gần gũi về địa lý, có chung đường biên nên có lợi thế về vận chuyển hàng nông sản cung ứng tới người tiêu dùng. Trung Quốc có tuyến biên giới đường bộ thuận lợi, trong khi đó, 70% nông sản Việt Nam sang Trung Quốc là đi bằng đường bộ. Đây là lợi thế thúc đẩy nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như: Thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gia súc gia cầm.
Nhiều mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu lớn vào thị trường Trung Quốc chưa được mở cửa như một số mặt hàng trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm.
Tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu ngang bằng, thậm chí đã quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.
Thứ trưởng nhận định, việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước có tính bổ trợ cho nhau. Như Vân Nam sở hữu rau củ quả ôn đới đối còn Việt Nam là nhiệt đới. Cũng có những mặt hàng có thể trùng nhau nhưng thực tế sản lượng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó là lợi thế so sánh giữa hai bên và là lợi thế rất lớn để thúc đẩy thương mại nông sản.
Nhắn nhủ tới các doanh nghiệp nông sản đang hướng tới thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, đây là thị trường lớn, rất chú trọng đến chất lượng với nhiều quy định nghiêm ngặt.
Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ, đảm bảo các quy định của thị trường này, nhất là các quy định 248 – 247. Không nên chủ quan cho rằng đây chỉ là thị trường dễ tính.
Thứ trưởng chia sẻ: “Quảng Tây, Vân Nam là thị trường cao cấp của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc rất muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Họ coi trọng chất lượng hàng hóa và chữ tín nên việc quan trọng nhất là cần xây dựng chuỗi cung ứng kết nối bền vững giữa hai nước”.
Qua đó, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước nói chung và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam nói riêng trong thời gian tới sẽ tăng nhiều hơn nữa .