Thống đốc NHNN: Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 đạt 6.75%

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 14:57:47

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4 đạt 6.75% so với cuối năm 2021.

Thống đốc NHNN: Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 đạt 6.75%

Sáng ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng 4, cả nước tiếp tục quyết liệt triển khai Chương trình tổng thể phòng, chống COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp nối đà tích cực của quý 1, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và cả các công việc phát sinh. Nhờ đó, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.


Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các số liệu trên cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng đều có những tín hiệu rất tích cực, trong đó xuất siêu đạt khoảng 2,53 tỷ USD , cho thấy năng lực sản xuất của nền kinh tế đã phục hồi mạnh, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, thị trường trong nước cũng đã có dấu hiệu phục hồi. Bộ trưởng cũng nêu rõ các giải pháp để bảo đảm các cân đối lớn về xăng dầu, điện... trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ là hết sức quan trọng và việc này đã được làm tốt trong thời qua, điển hình như các chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng liên quan tới thị trường vốn.

Mặt khác, điều rất quan trọng là việc khảo sát thực tế, như các chuyến làm việc tại địa phương của Thủ tướng thời gian qua đã phát hiện được nhiều nguồn lực, tiềm năng chưa được khai thác hết, các dự án đang gặp vướng mắc, chậm tiến độ cũng như các vấn đề chính sách chung... để giải quyết, xử lý.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay Bộ đã phân khai được 42,000 tỷ đồng trong tổng số vốn khoảng 50,000 tỷ đồng đầu tư công được phân bổ năm 2022. Trong đó, đã giải ngân được khoảng 10,000 tỷ đồng, các dự án trọng điểm ngành giao thông tương đối bảo đảm tiến độ đề ra.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhưng không để ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường vốn.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, diễn biến tháng 4 có những khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát tại các nước, nhiều nước là thị trường lớn của Việt Nam giảm tốc độ tăng trưởng, giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng, tác động từ tình hình Ukraine, lũ lụt bất thường ở miền Trung…

Tuy nhiên, tiếp nối đà phát triển của Quý I, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.  Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB đánh giá tốt và dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; kịp thời xử lý một số sai phạm để thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Những cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45.7% dự toán, tăng 13.3% so với cùng kỳ, với nguồn thu bền vững hơn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo với giá trị cao hơn. Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt với sự phối hợp tương đối bài bản giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị và có hiệu quả trên thực tế.

"Chúng ta xử lý các sai phạm để phát triển, muốn phát triển được thì phải xử lý các sai phạm một cách công khai, bạch, dân chủ, bảo đảm công bằng trong sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chúng ta cũng tiếp tục tích cực xử lý các vấn đề tồn đọng của các ngân hàng yếu kém, các dự án thua lỗ. Thủ tướng cho biết, vừa qua đã xuất hiện một số công việc mới cần xử lý mà nếu không xử lý nhanh thì sẽ gây hậu quả lớn, như Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 đang chậm tiến độ…

Công tác truyền thông được các cơ quan phối hợp, thực hiện hiệu quả hơn với nhiều cuộc tọa đàm trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng thông tin hướng dẫn phòng chống dịch và giúp người dân hiểu biết hơn về pháp luật.

Nhật Quang

Chia sẻ Facebook