Thống đốc NHNN: Chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, hướng đi tất yếu của ngành ngân hàng

Chia sẻ Facebook
20/05/2023 03:05:52

Theo Thống đốc NHNN, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.


Cụ thể, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng , trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của công nghệ tài chính (Fintech), chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0.


Người đứng đầu NHNN cho biết, đến nay, có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.

Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính cũng như nguồn lực mà mỗi ngân hàng sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cũng đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số và nỗ lực tạo sự khác biệt cho sản phẩm số giữa các NHTM.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Gần 75% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng

Đáng chú ý, lãnh đạo NHNN cho hay, khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng, với 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, kể như: tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, đơn vị này đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ‘làm sạch’ thông tin tín dụng của 25 triệu khách hàng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm - dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.

5 nguyên tắc ‘làm sạch’ dữ liệu khách hàng


Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ( VietinBank ), có 3 nguyên nhân chính khiến dữ liệu khách hàng chưa sạch.

Thứ nhất, trước đây việc khách hàng dùng chứng minh nhân dân (CMND) 9 số để đăng ký tài khoản có thể dẫn đến nguy cơ dễ dàng giả mạo giấy tờ. Nhiều giao dịch viên không thể xác định được khách hàng có chính chủ hay không khi sử dụng CMND 9 số.

Thứ hai, kẻ xấu, kẻ gian đã lợi dụng người dân vùng sâu, vùng xa không có hiểu biết pháp luật để mua lại giấy tờ, từ đó núp bóng tài khoản chính chủ này để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đây là hiện trạng nghiêm trọng khó giải quyết. Kẻ lừa đảo sử dụng nhiều tài khoản trung gian khác nhau (các tài khoản đều được mua lại) gây khó khăn cho việc điều tra, truy vết.

Thứ ba, khách hàng không chủ động cập nhật thông tin cho ngân hàng. Ví dụ, anh T là sinh viên mở tài khoản Vietinbank. Khi xây dựng gia đình, anh chuyển địa chỉ cư trú nhưng không cập nhật cho ngân hàng.

Ngày 24/4 vừa qua, Bộ Công an và ngành ngân hàng đã ký phối hợp triển khai Làm sạch dữ liệu ngành ngân hàng. Việc làm sạch dữ liệu thực hiện theo 5 nguyên tắc:

Thứ nhất, làm sạch dữ liệu toàn bộ khách hàng. Để tối ưu hóa việc làm sạch thì ưu tiên các tài khoản đã có giao dịch tài chính, các tài khoản có lịch sử tín dụng tốt.

Thứ hai, làm sạch ngay từ đầu vào, tránh có thêm các dữ liệu không sạch.

Thứ ba, không chỉ làm sạch mà còn phải làm giàu dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu sinh trắc học. Điều này nhằm đảm bảo chính chủ và sự minh bạch dòng tiền.

Thứ tư, tiết kiệm chi phí, bằng cách sử dụng kênh online để khách hàng chủ động xác thực mà không cần phải ra quầy giao dịch của ngân hàng.

Thứ năm, hướng đến cơ chế có thể làm sạch chủ động. Nếu có thay đổi về dữ liệu của khách hàng trên Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì dữ liệu này sẽ được tự động chuyển cho ngân hàng và tự động cập nhật.

“Nếu như chúng ta làm việc này một cách triệt để thì chúng ta sẽ quản lý được quét sạch được những tài khoản rác hạn chế rủi ro, minh bạch được dòng tiền. Nếu như chúng ta làm việc này một cách triệt để thì chúng ta sẽ quản lý được quét sạch được những tài khoản rác không hề khó”, ông Lân nói.

Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, với Chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì.

Sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả ngành Ngân hàng đạt được sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ "Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới"./.

Chia sẻ Facebook