Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu hai lý do không thể giảm lãi suất vào năm ngoái

Chia sẻ Facebook
01/06/2023 18:09:52

VietTimes – Điều hành lãi suất cần đặt trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: quochoi.vn)

NHNN cũng mong muốn giảm lãi suất


Phát biểu tại phiên họp toàn thể Quốc hội sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã giải trình một số vấn đề về lãi suất cho vay cao, điều hành "room" tín dụng, cũng như việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng.


Bà Hồng cho biết, không chỉ doanh nghiệp, NHNN cũng mong muốn giảm lãi suất. Tuy nhiên, điều hành lãi suất phải đặt trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng.


Theo Thống đốc NHNN , có hai lý do khiến Việt Nam phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Thứ nhất là áp lực lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh, mạnh. Ở trong nước, lạm phát năm 2022 bình quân tăng 3,15% - thấp hơn so với mục tiêu nhưng cao hơn mức tăng 1,84% năm 2021.

“Trong nửa cuối năm 2022, lạm phát có xu hướng tăng nhanh từng tháng. Lạm phát cơ bản bình quân cuối năm đạt khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức 0,84% năm 2021. Chính vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với lạm phát”, bà Hồng nhấn mạnh.

Thứ hai là áp lực mất giá của Đồng Việt Nam (VND) rất lớn trong năm 2022, trong bối cảnh các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá mạnh.


"Thời điểm tháng 9-10/2022, VND đứng trước áp lực mất giá 9-10%. Nếu không có giải pháp linh hoạt, đồng bộ sẽ khó ổn định tỷ giá ”, bà Hồng nói.

Nếu VND mất giá trên 10%, theo Thống đốc, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi sản xuất trong nước hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu. Chưa kể, các doanh nghiệp nội địa cũng vay lượng lớn vốn nước ngoài, khi VND mất giá sẽ khiến nghĩa vụ trả nợ tăng.

Mặt bằng lãi suất các khoản vay mới đã giảm


Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, khi tỷ giá ổn định trở lại, kết hợp lạm phát tăng chậm, NHNN đã thực hiện 3 lần điều chỉnh lãi suất , đưa mặt bằng lãi suất của các khoản vay mới giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2021.

“Những giải pháp, liều lượng chính sách và thời điểm đưa ra được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, tất cả hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”, bà Hồng phân tích.

Về tín dụng, 5 tháng đầu năm 2023 tín dụng chỉ tăng khoảng 3%. Tuy nhiên, bà Hồng đánh giá vấn đề này không phải là do chính sách, mà do doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện cho vay.

“Dư địa "room" tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng rất thoải mái, thanh khoản hệ thống dư thừa, không có lý do gì ngân hàng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền lại không cho vay”, bà Hồng nhấn mạnh.

Đối với tín dụng bất động sản, bà Hồng cho rằng tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn nhiều so với mức tăng chung của nền kinh tế, nhưng 70% khó khăn thị trường bất động sản liên quan đến pháp lý.

Giải pháp hiện nay là tập trung tháo gỡ. Các doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh giá bất động sản để kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp cũng như người mua nhà.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm thủ tục hành chính, cho vay trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ, không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói./.

Chia sẻ Facebook