Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Không thể chủ quan với diễn biến lạm phát

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 08:50:49

Ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về công tác điều hành tín dụng. Đây có lẽ là cuộc họp đặc biệt nhất vì kéo dài 7 tiếng với sự tham gia phát biểu ý kiến của tất cả Ban lãnh đạo, các Vụ cục liên quan của NHNN và các TCTD để NHNN tiếp thu ý kiến trong việc điều hành tín dụng hiện nay và năm 2023.

Tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, nền kinh tế thế giới thời gian vừa qua có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu trong khi giá cả thế giới tăng cao và có thể tiếp tục tăng nếu như diễn biến lạm phát thế giới chưa kiểm soát được. Bên cạnh đó, theo đánh giá của quốc tế, kỳ vọng lạm phát đối với Việt Nam là tương đối lớn.

Với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, NHNN không thể chủ quan với diễn biến của lạm phát; và không thể chỉ kiểm soát lạm phát năm nay mà còn các năm sau. Đó là mục tiêu kiên định trong dài hạn.

Nghị quyết 43 của Chính phủ và Nghị quyết 11 của Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng điều hành ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất 0,5 - 1% trong 2 năm triển khai chương trình phục hồi. Đây là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh các nước trên thế giới thắt chặt CSTT. Trong nước, chỉ 8 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống đã tăng gần 10% - là mức cao so với nhiều năm trước đây.

Cùng với đó, NHNN và hệ thống ngân hàng đang phải thực hiện tái cơ cấu hệ thống trong giai đoạn thứ 3. Nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo ổn định an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng và triển khai các giải pháp theo Nghị quyết 43 của Quốc hội thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện nay, việc điều hành tín dụng của NHNN đang được sự quan tâm lớn của dư luận, doanh nghiệp, các TCTD, chuyên gia, báo chí... Vấn đề đặt ra đối với NHNN là phải giải bài toán tổng thể, bởi chính sách điều hành hôm nay không chỉ ngắn hạn mà cần phải căn cơ, dài hạn, bài bản, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định tỷ giá, lãi suất…

Theo ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, trước 2021 do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh. Giai đoạn 2007 - 2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao. Nhiều TCTD mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên mức 2 con số, đỉnh điểm là vào năm 2008. Các tổ chức quốc tế IMF, WB, Moody’s… cảnh báo nới lỏng tín dụng giai đoạn này đã gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế, đe dọa an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát, nợ xấu... Ngoài ra kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngân hàng.

Trước bối cảnh đó, từ năm 2011, kết hợp với việc siết chặt hoạt động thanh tra giám sát theo các tiêu chí an toàn theo chuẩn mực quốc tế, NHNN đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành của từng TCTD. Đồng thời NHNN thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo biện pháp điều hành TTTD bám sát tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu hàng năm do chính phủ, NHNN đặt ra trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Các tiêu chí chính sách phân bổ chỉ tiêu TTTD được NHNN công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01 của Thống đốc và đều được kiểm toán NHNN, kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán, đánh giá thể hiện rõ nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổng kết quá trình triển khai biện pháp phân bổ TTTD từ 2011 đến nay, TTTD toàn hệ thống giảm mạnh từ 30% /năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12 – 14% những năm gần đây. Sự ổn định của thị trường tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy các TCTD nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Từ 2020 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục trải qua nhiều biến động lớn, ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động ngân hàng, áp lực lạm phát tăng cao, khiến hầu hết NHTW trên thế giới đẩy nhanh tiến trình thắt chặt CSTT, tăng mạnh lãi suất, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành CSTT và tín dụng của NHNN.

Về tình hình triển khai công tác tín dụng năm 2022, Bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống... với mức lãi suất hợp lý đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm đảm bảo an toàn hệ thống theo các quyết định của NHNN.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Du – Quyền Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng đánh giá, hầu hết các ngành có TTTD cao cũng đều là những ngành có tăng trưởng tốt. Tuy nhiên một số ngành tăng trưởng thấp nhưng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao như bất động sản, tiêu dùng,… Chủ trương điều hành tín dụng của NHNN không cấm tín dụng vào bất động sản,… nhưng cần phải cẩn trọng và có cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng hợp lý để hạn chế rủi ro, đặc biệt trong điều kiện áp lực tín dụng rất lớn.

Chia sẻ Facebook