Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Gói phục hồi kinh tế giải ngân có thể tác động đến lạm phát

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 11:09:05

Tham gia giải trình cùng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết với góc độ điều hành, các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân. Thời gian tới, khi các gói này đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Gói phục hồi kinh tế giải ngân có thể tác động đến lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Tham gia giải trình cùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lại cung cấp thông tin cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm 100%. Có nghĩa là, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát.

Theo chia sẻ từ Thống đốc NHNN, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa cần kết hợp chặt chẽ. Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát với 2.25%. Qua phân tích, mức tăng này liên quan đến giá hàng hóa thế giới.

Từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và các gói giải ngân để đưa ra giải pháp thực tiễn. Bởi chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn.

Theo bà, trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Hiện nay, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành phân tích nguyên nhân lạm phát để đưa ra giải pháp phù hợp.

Tiến độ thực hiện gói phục hồi kinh tế


Trả lời đại biểu Quốc hội về việc tham mưu thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành, Bộ trưởng Tài chính cho biết chính sách có tổng số tiền 347,000 tỷ đồng. Liên quan chính sách tài khóa, có khoảng 291,000 tỷ đồng, trong đó liên quan thu ngân sách có giãn, hoãn, miễn, giảm thuế VAT 10% xuống 8%.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 về miễn giảm thuế, giảm 64,000 tỷ đồng. Được Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ đã giảm thuế trong xăng dầu 2,000 đồng, tổng giảm khoảng 24,000 tỷ nữa. Như vậy riêng vấn đề giảm thuế đã tăng hơn so với dự kiến trong Nghị quyết 43, tổng số giảm 88,000 tỷ đồng. Ngoài ra, 135,000 tỷ đồng nữa được giãn đến 31/2/2022.

Bộ đã ban hành nghị định hướng dẫn sử dụng kinh phí (Nghị định 31) hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 40,000 tỷ đồng, lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thông qua việc vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Đến nay còn một hướng dẫn đang làm với Bộ Khoa học Công nghệ là hướng dẫn sử dụng trong quỹ Viễn thông công ích.

Áp lực lạm phát ở Việt Nam ít hơn

Đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn, lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, vật tư đầu vào rất lớn. "Nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Thêm vào đó, Việt Nam đang giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, nghĩa là tăng thêm tiền vào nền kinh tế, thêm áp lực lạm phát", ông nói.

Bộ trưởng Phớc đáp, lạm phát đang là vấn đề hết sức nóng và cần tập trung chống lạm phát để đảm bảo phát triển và an sinh xã hội.

Hiện trên thế giới lạm phát đã là 8.3%, châu Âu 8%, Singapore 5.4%... Còn Việt Nam là 2.25%. Nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nguồn nguyên vật liệu chưa sản xuất được, phụ thuộc nước ngoài. Giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón...

Nhưng theo ông Phớc, Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn. "Đây cũng là thời điểm vàng để chúng ta bứt phá phát triển. Nếu ta tận dụng được cơ hội này chắc chắn sẽ bật lên. Các nước lạm phát cao nhưng Việt Nam có độ trễ và tự chủ được tiêu dùng trong nước", ông Phớc nói.

Nhật Quang

Chia sẻ Facebook