Thời trang nước ngoài bị thất sủng ở Trung Quốc
Nhãn hiệu thời trang toàn cầu ngày càng khó cạnh tranh với sản phẩm nội địa Trung Quốc, thậm chí có xu hướng bị tẩy chay.
"GAP xả hàng tại tất cả các cửa hàng!!! Giảm giá tới 20%" hay "GAP đóng cửa các cửa hàng! Giảm giá sản phẩm để giải phóng mặt bằng" là những bài đăng phổ biến trên nền tảng truyền thông xã hội Little Red Book của Trung Quốc trong tuần trước.
Nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện GAP đã giảm số lượng cửa hàng ở Trung Quốc đại lục kể từ khi mở cửa hàng thứ 200 ở Tây An vào năm 2019. Tính đến nay, theo thông tin trang web chính thức của công ty, GAP chỉ còn 143 cửa hàng tại Trung Quốc.
Ông Ma Zhongyuan - quản lý của Fangma Tuyền Châu, một nhà máy may ở tỉnh Phúc Kiến, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gia công hàng may mặc - cho biết: "Thị trường thời trang ở Trung Quốc đang cực kỳ cạnh tranh".
Trung Quốc vẫn là phân khúc kinh doanh lớn nhất của GAP ở châu Á. Tuy nhiên, theo báo cáo thu nhập quý đầu tiên, doanh thu của GAP Group giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,5 tỷ USD, dẫn đến khoản lỗ ròng lên tới 162 triệu USD.
Theo ông Ma, tại Trung Quốc, các nhãn hiệu nước ngoài đang phải vật lộn để cạnh tranh với các thương hiệu giá rẻ trong nước được bán thông qua phát trực tiếp và các nền tảng thương mại điện tử.
"Người dùng thương mại điện tử Trung Quốc có thể mua 2-3 sản phẩm quần áo với giá dưới 50 nhân dân tệ (tương đương khoảng 170.000 đồng) và còn được miễn phí vận chuyển. Mô hình giá rẻ thông qua các nền tảng thương mại điện tử này có lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống do đại dịch", ông cho biết thêm.
Dữ liệu từ iiMedia Research cho thấy, 62% người tiêu dùng Trung Quốc mua quần áo thông qua các nền tảng thương mại điện tử trong năm nay. Trong đó, 58,5% khách hàng chi từ 200 đến 600 nhân dân tệ mua quần áo thông qua các nền tảng trực tuyến và tại các cửa hàng truyền thống kết hợp.
"Giá trung bình một sản phẩm thuộc thương hiệu GAP và Zara rơi vào khoảng 300-600 nhân dân tệ, không thể cạnh tranh với các thương hiệu nội địa rẻ tiền", ông Ma nói.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang trong nước với các sản phẩm "thương hiệu Trung Quốc" và "có yếu tố Trung Quốc" là ưu tiên hàng đầu trong người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc, theo "Báo cáo tiêu dùng thanh niên Trung Quốc" từ iiMedia Research.
Sự kiện các công ty phương Tây tẩy chay bông Tân Cương càng khuyến khích xu hướng tiêu dùng này.
Yanie Yanson, người sáng lập công ty sáng tạo thương hiệu thời trang và phong cách sống Pompom cho biết: "Những người trẻ dưới 20 tuổi thường kiểm tra xem sản phẩm đó thuộc thương hiệu của Mỹ hay không. Điều đó khiến chúng tôi phải theo xu hướng Guochao (thường được hiểu là "mốt Trung Quốc"), phải chèn các biểu tượng màu đỏ và thêm các mặt hàng truyền thống".
H&M là công ty nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc bị người tiêu dùng nước này tẩy chay vì chỉ trích bông Tân Cương. Trong kết quả tài chính quý IV năm 2021, thương hiệu này báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
H&M cũng đã thông báo đóng cửa cửa hàng hàng đầu tại Thượng Hải vào cuối tháng 6, nhưng quay trở lại Tmall vào đầu tháng này. Trước đó, sản phẩm của nhãn hàng này đã bị loại khỏi nền tảng bán lẻ trực tuyến dành cho doanh nghiệp đến người tiêu dùng vào tháng 3 năm ngoái.
Trước đó, Old Navy, thuộc sở hữu của GAP Group, đã đóng cửa tất cả các cửa hàng và rời khỏi thị trường Trung Quốc vào tháng 3/2020. Các thương hiệu quần áo của Anh là Top Shop và New Look trước đó cũng đã tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc vào năm 2018 do hoạt động yếu kém. Bershka, Pull & Bear và Stradivarius, các thương hiệu thuộc cùng một Tập đoàn Inditex với Zara, đều đóng cửa các cửa hàng trực tuyến vào cuối tháng 7.
Ngoài chủ nghĩa dân tộc lên ngôi ở người tiêu dùng Trung Quốc, thiết kế đơn điệu đang kìm hãm các thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài, Yanie cho biết và nhấn mạnh rằng sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc có mức giá thấp hơn, kiểu dáng đa dạng và chất lượng cao hơn, trong khi các thương hiệu nước ngoài khó thay đổi phong cách thiết kế để phù hợp với thẩm mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc
"Giám đốc điều hành nhãn hàng không dám mạo hiểm vì họ chỉ có 2 năm để chứng tỏ năng lực", Yanie nói.
Yin Shan, 25 tuổi, ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), là khách hàng trung thành của các thương hiệu thời trang nhanh. "GAP, cũng như hầu hết các thương hiệu thời trang nhanh ở nước ngoài, thường trung thành với một mẫu thiết kế duy nhất và giá cả tương đối đắt đỏ. Trong khi đó, người mua lại không rủng rỉnh tiền", anh nói.