Thời “thê thảm” của ngành thép?

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 23:17:15

Cổ phiếu của nhiều ông lớn ngành thép như HPG, NKG, SMC đang cắm đầu giảm trong bối cảnh cả ngành đã bước sang bên kia sườn dốc và nhất là khi nỗi lo thoái trào còn được xác nhận qua thông điệp của người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát.

Thời “thê thảm” của ngành thép?

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: TK


Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát ( HOSE : HPG ) cách đây không lâu, Chủ tịch Trần Đình Long thừa nhận ngành thép đang va phải nhiều cơn gió ngược. “Thê thảm” là cách mà vị Chủ tịch Hòa Phát nói về những quý kinh doanh kế tiếp của ngành thép.

“Mọi người hãy đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3 và quý 4, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào”, ông Trần Đình Long nói.

Trên thực tế, những nhà quan sát không phải không biết ngành thép đã đến hồi thoái trào, nhưng thông điệp của ông Long lại khiến mọi thứ trông có vẻ tệ hơn. Còn với những ai đang nuôi hy vọng ngành thép vẫn còn tốt, đây rõ ràng là một “gáo nước lạnh”.


Và “Ngài thị trường” lập tức trở nên cáu gắt, xuống tay nhấn nhìm nhóm cổ phiếu thép. Giá cổ phiếu HPG có lúc giảm xuống sát 33,000 đồng/cp, mức thấp chưa từng thấy trong hơn 1 năm qua, còn NKG về gần mốc 24,000 đồng/cp.


So với mức đỉnh giữa tháng 10/2021, vốn hóa của nhiều cổ phiếu thép đã chia đôi, với HPG giảm 42%, NKG sụt 46%, HSG lao dốc 56%, còn SMC mất 53%.


Vì đâu nên nỗi?

Lý giải về những khó khăn của ngành thép, ông Trần Đình Long chỉ ra giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn.

Song song đó, giá thép tại thị trường nội địa cũng đang trên đà giảm trong thời gian gần đây. Trong 1 tháng qua, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm 4 lần liên tiếp, xuống quanh 17.2 - 18 triệu đồng/tấn.

Nguồn: Steel Online


Ở mảng tôn, giá thép HRC - nguyên liệu chính để sản xuất tôn - cũng giảm mạnh. Tuần trước, Hòa Phát thông báo giảm giá bán HRC khoảng 130 USD , xuống 793 USD/tấn, còn Fomorsa hạ giá bán HRC xuống 850 - 855 USD/tấn. Theo nguồn tin từ Steelmint, Fomorsa thậm chí còn chiết khấu thêm 30 - 50 USD/tấn cho người mua tại Việt Nam.

“Hãng thép này đang thương lượng trực tiếp với người mua và cung cấp chiết khấu cho một số người mua nhất định. Chẳng có gì mới lạ vì đây là điều thường thấy trước hoặc trong mùa doanh số ảm đạm”, trích từ nguồn tin tại Việt Nam.


Một số đơn hàng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc thậm chí có giá 745 - 755 USD/tấn (giá CFR).

Diễn biến giá thép HRC của HPG


Ngoài ra, sản lượng bán thép cũng quay đầu giảm trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam ( VSA ), trong tháng 4 vừa qua, sản lượng bán hàng thép các loại đạt 2.42 triệu tấn, giảm 22.52% so với tháng trước và giảm 15.6% so với cùng kỳ.


Thị trường xuất khẩu ảm đạm

Bên cạnh sự suy yếu của thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu cũng đã hạ nhiệt sau đợt tăng chớp nhoáng hồi cuối tháng 2 (giai đoạn cuộc chiến Nga - Ukraine làm dấy lên nỗi lo thiếu hụt nguồn cung).


Giá thép HRC tại Mỹ giảm xuống 1,250 USD/tấn, trong khi giá HRC tại châu Âu sụt nhanh xuống 1,110 USD/tấn khi người mua nhận thấy nỗi lo về thiếu hụt nguồn cung đã bị thổi phồng quá trớn và nhu cầu ảm đạm trở lại.

Ở Trung Quốc, giá thép cũng chịu nhiều áp lực khi chính sách “Zero Covid” bóp nghẹt nhu cầu tại đây, trong khi sản lượng thép vẫn tiếp tục tăng. Theo S&P Global Commodity Insights, sản lượng thép thô hàng ngày cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) công bố hôm 26/05. Điều này càng làm dấy lên nỗi lo về tình trạng dư cung tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu thép, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Điều này là do các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; và châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.


Vết nứt trong lợi nhuận quý 1

Ngay cả trước khi đón những yếu tố tiêu cực kể trên, các nhà đầu tư có lý do để lo ngại khi nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng đã xuất hiện những vết nứt trong lợi nhuận quý 1.


Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, chẳng hạn Hoa Sen giảm 77% so với cùng kỳ, SMC giảm 62%, HMC lao dốc 68%, trong khi VIS và KKC báo lỗ.


Nguồn: VietstockFinance . *HSG sử dụng niên độ tài chính khác

Điều này nhiều khả năng là do các doanh nghiệp đã cạn kiệt lượng hàng tồn kho giá rẻ sau giai đoạn bán hàng bùng nổ và điều này cũng thể hiện qua biên lợi nhuận ngày càng giảm của ngành thép.

Nguồn: VietstockFinance

CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá các nhà sản xuất tôn mạ vẫn có thể đạt được biên lợi nhuận tốt trong quý 2 nhờ chốt hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu vào thời điểm giá cao, trong khi khó khăn về chi phí sản xuất cao kéo dài ăn mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất thượng nguồn.


“Triển vọng giá bán quý 3 sẽ phụ thuộc vào mức tồn kho của người mua tại châu Âu và thời điểm mua nguyên liệu HRC của doanh nghiệp”, CTCK Rồng Việt nhận định.

Vũ Hạo

Chia sẻ Facebook