Thời gian cứu bé 10 tuổi kéo dài do máy móc và giao thông bất tiện

Chia sẻ Facebook
06/01/2023 21:44:18

Dù đã huy động nhiều nguồn nhân lực tích cực cứu nạn, tuy nhiên công tác tiếp cận bé trai bị kẹt trong cọc bê tông ở Đồng Tháp vẫn chưa có kết quả vì một số lý do khách quan.

Thông tin mới nhất, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết lực lượng chức năng xác định bé Thái Lý Hạo Nam đã không qua khỏi. Hiện công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra gấp rút để gia đình có thể lo hậu sự cho em.

Đội cứu hộ nỗ lực cứu cháu bé Thái Lý Hạo Nam. Ảnh: Hoàng Giám


Thông tin từ VNExpress, em Thái Lý Hạo Nam rơi vào cọc bê tông 35m, cắm sâu dưới lòng đất, khu vực thuộc công trường xây cầu Rọc Sen (Thanh Bình, Đồng Tháp). Kể từ thời điểm bé Nam gặp nạn vào trưa ngày 31/12/2022, đến nay công tác cứu hộ đã trải qua 5 ngày đêm nhưng vẫn chưa thành công vì nhiều nguyên nhân. Ông Đoàn Tấn Bửu thông tin rằng, hiện trường bé Nam gặp nạn nằm giữa đồng, giao thông trên địa bàn cũng không thuận tiện nên một số thiết bị phải vận chuyển bằng đường sông, gây mất nhiều thời gian. Lúc đầu địa phương tính dùng nguồn lực tại chỗ, nhưng sau đó phải đề nghị Quân khu 9 và các bộ ngành đến giúp đỡ.

Quá trình cứu nạn kéo dài vì nhiều nguyên nhân khách quan. Ảnh: Hoàng Giám

Giao thông khó khăn nên một số thiết bị phải vận chuyển bằng đường sông. Ảnh: VNExpress

Chứng kiến xe hơi bốc cháy, cụ ông tung cước đá bể cửa kính giải cứu nạn nhân


Vụ tai nạn của bé Nam là trường hợp hy hữu, các đơn vị đã liên tục thay đổi phương án giải cứu dưới sự tư vấn của chuyên gia. “Vì độ nén đất và khó khăn địa chất nên các phương pháp kỹ thuật cần đảm bảo chúng ta làm tới đâu thì an toàn tới đó. An toàn cho giải pháp cũng như an toàn cho lực lượng thi công, nên khó xác định chắc chắn thời gian hoàn thành”, ông Bửu chia sẻ.

Đội cứu hộ cố gắng rút cọc lên mà vẫn đảm bảo an toàn. Ảnh: TT&VH

Trước đó, phương án sử dụng máy khoan cọc nhồi công suất lớn (được xem là giải pháp khả thi) để thay thế máy khoan giếng đã bị bác bỏ. Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, người trực tiếp chỉ đạo hiện trường cho rằng máy khoan cọc nhồi có thể khiến trụ bê tông (gồm 3 đoạn) bị gãy hoặc bị đứt mối nối, trong khi vị trí mắc kẹt của bé Nam vẫn chưa được xác định chính xác.

Quá trình rút cọc lên theo phương thẳng đứng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TT&VH

Kể từ tối ngày 3/1, đội cứu hộ đã thực hiện phương pháp khoan guồng xoắn và khoan xoáy nước để phá vỡ, làm mềm phần đất xung quanh để giảm tối đa lực ma sát, sau đó sẽ đưa từng đoạn ống cọc lên. Lực lượng thi công và lực lượng phối hợp đã triển khai diễn tập quá trình cưa cắt ống cọc bê tông, cũng như phương án cứu hộ trên mặt đất.

Lực lượng chức năng xác định bé Nam đã không qua khỏi. Ảnh: VNExpress

Một doanh nghiệp sản xuất bê tông thông tin trên VNExpress, việc kéo trụ bê tông lên khó gấp nhiều lần so với khi đóng xuống. Ví dụ, nhà thầu chỉ cần lực 50 tấn để đóng xuống, nhưng phải cần đến lực gấp 4 – 5 lần như thế mới có thể nhổ cọc lên. Trên thế giới chưa có đơn vị nào sản xuất thiết bị chuyên dụng để rút cọc, nếu muốn rút thì bắt buộc phải kéo thẳng tâm để cọc không gãy, đứt mối hàn.

Hàng trăm người được huy động để giải cứu bé Nam. Ảnh: Sở TT&TT Đồng Tháp.

Quân khu 9 đưa nhiều thiết bị chuyên dụng đến hiện trường. Ảnh: Tiin

Hiện các thông tin liên quan đến cuộc giải cứu bé Thái Lý Hạo Nam ở Đồng Tháp vẫn đang được dân mạng rất quan tâm. Tất cả đều mong sớm đưa được cậu bé lên để gia đình lo hậu sự.


Xem thêm nhiều tin hot trên Bestie!

LÀ CHA MẸ TỐT THÌ NÊN DẠY TRẺ NHỮNG ĐIỀU NÀY TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN

Để tránh những sự cố không hay có thể xảy đến mà trẻ không biết cách xử lý, thì các bậc phụ huynh nên kịp thời trang bị cho trẻ kỹ năng sống cần thiết càng sớm càng tốt.

Dạy con biết tự bảo vệ bản thân: Tùy theo từng độ tuổi của con để bố mẹ đưa ra những bài học phù hợp. Chẳng hạn như khi bé lên 3 tuổi thì có thể cho tự tắm và tự vệ sinh cơ thể, dạy bé phải cảnh giác với người lạ. Khi bé lớn hơn thì hướng dẫn bé cách đối mặt với những sự cố như cháy nhà, lạc đường…

Chia sẻ Facebook