Thời đại thám hiểm và khám phá (1420-1620)
Các nhà thám hiểm như Vasco da Gama, Christopher Columbus, Ferdinand Magellan... đã ra đi vì mục đích nào, bằng các phương tiện nào và đã...
1 – Nguyên do thám hiểm
Trong lịch sử của thế giới Tây phương và trong hai thế kỷ giữa các năm 1420 và 1620, người châu Âu đã mạo hiểm, vượt biển để đi tìm hiểu các miền đất xa lạ. Sự khám phá của họ đã đưa đến việc thuộc địa hóa và định cư tại các vùng đất mới, đã mang lại cho họ các sản phẩm mới, tài sản mới, cơ hội mới, vấn đề mới và cách suy nghĩ mới. Cũng do các công cuộc thám hiểm và khám phá của người châu Âu này mà các quốc gia mới được thành lập, chẳng hạn như quốc gia Hoa Kỳ.
Các nhà thám hiểm với tên họ quen thuộc với chúng ta như Vasco da Gama, Christopher Columbus, Ferdinand Magellan… đã ra đi vì các mục đích nào, bằng các phương tiện nào và đã đạt được các thành quả nào? Tại sao các công cuộc thám hiểm và khám phá lại bắt đầu do các quốc gia Tây Âu, mà không phải do các nước đã có một nền văn minh tương đối phát triển như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản tại châu Á, do các nước theo đạo Hồi tại châu Phi và miền Trung Đông, do các xứ Aztecs, Inca và Maya của miền Trung Mỹ?
Vào thời kỳ đó, các miền đất kể trên đã là các lãnh thổ rộng lớn hơn, có các trình độ văn minh cao hơn các quốc gia Tây Âu. Các quốc gia như Trung Hoa đã có dân số phát triển, có nền văn minh riêng với khoa học, kỹ thuật và văn chương, họ có cả các cuốn sách và bản đồ mô tả về lãnh thổ của họ.
Vào thời kỳ Đen Tối (the Dark Ages), những người Scandinavian đã tới được miền Bắc Mỹ trước Christopher Columbus, rồi trong thế kỷ 13, đã có những nhà thám hiểm như Giovanni de Plano Carpini, Willen van Rujsbroek và Marco Polo… Thời đại thám hiểm liên quan tới thời kỳ Phục Hưng (the Renaissance), theo đó con người bắt đầu tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên, xét lại các thành quả cũ đã đạt được với sự trong sáng mới, cách khảo cứu và suy luận mới…
Vào đầu thế kỷ 15, phương pháp thám hiểm hàng hải bắt đầu được tổ chức theo hệ thống, nhờ đó các kỹ thuật đi biển được cải tiến. Việc thám hiểm và khám phá được các vua chúa và các nhà tài chính chủ trương, khuyến khích. Họ hiểu rằng các con tàu biển tốt hơn, cùng với các dụng dụ đo lường chính xác hơn, các phương pháp vẽ bản đồ và kỹ thuật đi biển mới… đã khiến cho các hải trình xa hơn, khó khăn hơn được thực hiện.
Vào thời kỳ đó, người châu Âu đã biết rằng có các quốc gia như Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ…, việc tìm cách tới được những quốc gia này sẽ mang lại nhiều lợi ích nhờ thương mại. Các quốc gia dẫn đầu trong việc thám hiểm và khám phá là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Hòa Lan. Trí tưởng tượng phong phú của người châu Âu, các nhu cầu đặc biệt của thời kỳ đó đã khiến cho họ đi tìm hiểu thế giới bên ngoài. Châu Âu của thời kỳ Phục Hưng rất cần các kim loại quý và các thứ hương liệu (spices).
Vào thời Trung Cổ (the Middle Ages), các thương gia của châu Âu đã trao đổi để có vàng, lụa và các loại hương liệu của miền Viễn Đông nhưng sang thế kỷ 15, các chính quyền của châu Âu đã tham gia vào việc khám phá, không phải do lòng tham mà do nhu cầu. Châu Âu vào thời kỳ này đã thiếu kim loại quý để đúc tiền. Các mỏ vàng tại Ái Nhĩ Lan (Ireland) đã cạn, các mỏ bạc tại Đức dù cho khá phong phú cũng không đáp ứng được sức cầu. Không có tiền đúc ra, sẽ không có sự trao đổi tài chính và nền thương mại không thể phát triển. Các khối vàng bạc để đúc tiền không những tượng trưng cho sự giàu có mà còn là một phương tiện để làm tăng thêm sự giàu có.
Vào thời kỳ Phục Hưng, thực phẩm chỉ có thể lưu trữ được nhờ muối rồi sau đó, nhờ cách ướp bằng các hương liệu vì thời bấy giờ chưa có kỹ thuật đông lạnh và các phương tiện vận chuyển thực phẩm còn thô sơ. Gia vị như vậy rất cần thiết ngoài lợi ích giúp cho đồ ăn có các hương vị đặc biệt.
Nhu cầu thứ ba của việc thám hiểm và khám phá là niềm tin tôn giáo. Các người sùng đạo đã muốn làm vừa lòng Thiên Chúa bằng cách giảng đạo và cải biến những kẻ dị giáo theo họ. Dân chúng và chính quyền Tây phương vào thời kỳ này đã tin tưởng rằng nhiệm vụ của họ là làm cho các người khác tôn giáo hay vô tôn giáo có cùng niềm tin như chính họ. Nhu cầu này còn có một lợi ích thực tế khác là những thổ dân theo đạo mới đã trở nên dễ bảo hơn, các tù trưởng cải đạo đã cộng tác và phục vụ chân thành hơn cho người châu Âu.
Cũng vì thế, mặc dù biết rằng công cuộc thám hiểm thành công hay thất bại được căn cứ vào số vàng bạc và hương liệu mang về, Christopher Columbus còn ghi thêm vào sổ về miền đất mới của châu Mỹ một cách thành thực rằng: “Tôi cho rằng điều ước mong chính của nhà Vua của chúng tôi là cải biến dân tộc này theo niềm tin của Chúa”. Người biện hộ cho các hoạt động thám hiểm của nước Anh là Richard Hakluyt đã phát biểu rằng việc mở rộng lãnh thổ của Nữ Hoàng Anh sẽ mang lại lợi nhuận, quyền lực, danh dự và cả việc làm sáng danh Chúa bằng cách ươm trồng tôn giáo vào các kẻ dị giáo hay không có tín ngưỡng.
Vào thời kỳ Phục Hưng, việc quan tâm tới thám hiểm và khám phá không phải lý do kiến thức (knowledge). Người châu Âu chỉ muốn khai thác các mỏ kim loại quý rồi sau đó, lo bảo vệ các con đường thương mại đã được tìm thấy. Cũng vào lúc này, người châu Âu biết rằng nhờ các con tàu biển, các thủy thủ gan dạ có thể tới được bất cứ miền đất nào có bờ biển rồi quay về xứ an toàn. Đây là điều quan trọng nhất.
Người Norse (Norsemen) đã vượt qua vùng biển bắc Đại Tây Dương bằng các con thuyền có lẽ được trang bị bằng một cánh buồm và họ có thể đi khá xa. Người Scandinavian đã tìm cách vượt biển, di cư tới miền đất mới vì quê hương của họ chật hẹp và đông người. Trái với hai giống người kể trên, các nhà thám hiểm châu Âu thuộc thế kỷ 15 lại có một quan niệm khác: họ muốn trở về quê hương, mang về tài sản kiếm được.
2 – Phương tiện thám hiểm
Vào thế kỷ 15, đã có những người đi biển tại châu Á dùng thuyền có buồm, vượt qua Ấn Độ Dương để đi từ Ấn Độ tới đảo Madagascar và ngược lại, nhưng những phương tiện hải hành này phải nhờ vào các trận gió, các giòng nước biển thuận lợi. Trên các vùng biển quanh Ấn Độ, tại Hồng Hải (the Red Sea) và tại phía đông châu Phi, các con thuyền Ả Rập (the Arab dhow) đã bơi xuôi ngược, nhưng loại thuyền này không thích hợp với việc vượt biển khám phá và tìm hiểu, vì mạn thuyền được khâu lại bằng thứ sợi dây dừa, nên không vững chắc như loại tàu biển có đóng đinh. Loại buồm một cánh hình tam giác của người Ả Rập đã không hơn được thứ buồm hình vuông của châu Âu.
Tàu biển của người Tây phương vào thế kỷ 15 là sự phối hợp của hai kỹ thuật thuyền có buồm vuông của miền Bắc Hải (the North Sea) với loại thuyền chèo (oared galley) của vùng Địa Trung Hải. Chính việc thương mại giữa hai miền bắc và nam của châu Âu đã khiến cho hai loại thuyền kể trên được phối hợp để cải tiến thành một thứ tàu biển đi xa được. Tàu biển của châu Âu vào thời kỳ này dùng buồm, không dùng sức chèo, lại được lắp các khẩu súng tại hai bên sườn nhờ vậy hỏa lực rất mạnh và hữu hiệu khi tác chiến.
Qua nhiều thế kỷ đi biển, các quốc gia châu Âu đã có kinh nghiệm tại vùng biển English Channel, tại các vùng nước băng tuyết giữa Greenland và Scandinavia. Các thủy thủ là những người không có học vấn, không quan tâm về tôn giáo nhưng có truyền thống tận tụy, chịu đựng được gian khổ, tuy thế tỉ lệ thủy thủ trở về nhà sau các chuyến hải hành là 50 phần trăm vì các thủy thủ thường mắc bệnh hoại huyết và các bệnh thiếu dinh dưỡng, vì gặp bão táp và mắc cạn tại các vùng biển xa lạ, vì gặp thổ dân ăn thịt người và các bất trắc khác. Như vậy tại sao lại có những người tình nguyện làm việc trên các con tàu viễn du?
Không có tài liệu nào cắt nghĩa các động lực theo đó có các thủy thủ tình nguyện, nên người ta chỉ có thể phỏng đoán có lẽ do lương bổng trả cao hơn tại các cuộc mạo hiểm, bởi vì các chuyến vượt biển đi thám hiểm được tài trợ bởi ngân quỹ của nhà vua hay do tiền vốn đóng góp của một số nhà buôn giàu có. Cũng vào đầu thế kỷ 15, tuổi thọ của người dân vào khoảng 30 năm và cuộc sống trên đất liền cũng khó khăn và bất trắc, số nông dân và thương nhân bị chết vì bệnh dịch nhiều như số thủy thủ chết vì bệnh hoại huyết. Khi tàu đã ra khơi, thuyền trưởng thường dùng tới nhiều thủ đoạn đối với thủy thủ đoàn, thường là các lời tán dương, hăm dọa, lường gạt, các khoảng cách giả, các bản đồ bỏ bớt những hải đảo mà tàu biển có thể ghé vào.
Theo các sổ nhật ký ghi chép trên các con tàu thám hiểm, lời than van của thủy thủ không phải là về hiểm nguy hay cực nhọc trên tàu, mà là sự nhàm chán của chuyến đi xa và sự ít cơ may trở về nhà. Còn đối với thuyền trưởng, một trong các nguyên do thúc đẩy họ đi thám hiểm là hy vọng kiếm được nhiều tài sản, thế nhưng không một thuyền trưởng nào qua đời trong cảnh giàu sang, kể cả Christopher Columbus. Chỉ có các nhà chinh phục (conquistador) cai trị tại Ấn Độ và tại các xứ Mỹ Châu của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới giàu sang cho đến chết.
Cho nên một trong các động lực của các thuyền trưởng là sự vinh quang cá nhân. Họ thích nổi danh vì gan dạ, vì khôn ngoan và tài giỏi. Tại Mễ Tây Cơ, Hernando Cortes đã bắt chước hành động oai hùng của người La Mã. Ngoài ra, tại châu Âu vào đầu thế kỷ 15, con người đã có một phần nào tự do hành động, không bị trói buộc như tại xã hội Trung Hoa, nơi có gia đình kiềm chế, hay tại Ấn Độ nặng về giai cấp xã hội. Tôn giáo của châu Âu là Thiên Chúa Giáo, vừa mang tính bành trướng, vừa có tính quân sự (militant). Trái với đạo Hồi chủ trương một cuộc sống tốt đẹp sau khi đã chết, đạo Thiên Chúa nhấn mạnh về hạnh phúc nơi dương thế và người theo đạo Thiên Chúa có tính tự tôn trong hành động.
Vào thế kỷ 14, các nền chính trị và kinh tế đã sống lại tại nước Ý. Dân chúng thành phố gia tăng đã sinh ra các nhu cầu thực tế trong đó có nhu cầu Giáo Dục phổ thông, ngoài nhiều nhu cầu thuộc các phạm vi khác như Văn Thơ và Triết Học, Kiến Trúc và Y Học. Nước Ý vào thời bấy giờ gồm nhiều xứ tự trị nên mỗi khi có xứ nào bị chiến tranh tàn phá thì các xứ khác vẫn phát triển và do người dân Ý dùng tới loại lính đánh thuê nên đời sống tại các thành thị của họ ít bị ảnh hưởng. Chính vì thế, nền văn hóa cổ điển đã được phục hưng, đại diện chính là tác phẩm “Quân Vương” (the Prince) của Machiavelli và các công trình điêu khắc của Michelangelo vào thế kỷ 16. Ngoài ra các học giả người Ý còn nổi tiếng về các bộ môn Toán Học, Thiên Văn và Địa Dư.
Đồng thời với sự phát triển tại nước Ý, các nước tại phía tây của châu Âu cũng có những nét đặc thù: nền thương mại trở nên phức tạp hơn với ngành tài chính được chính quyền quan tâm tại các nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các xứ Đức Phổ. Riêng hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đạt được các tiến bộ đáng kể về phép vẽ bản đồ và kỹ thuật đi biển. Những căn bản này rất quan trọng đối với các nhà thám hiểm vì được rút ra từ kiến thức cổ điển của nước Ý cộng với các kinh nghiệm của các thủy thủ cao tay nghề, với các nguyên tắc địa dư, toán pháp của các nhà toán học người Ả Rập và với sự học hỏi do trao đổi thương mại tại các xứ Hồi Giáo.
Vì vậy không đáng ngạc nhiên khi thấy nước Bồ Đào Nha bắt đầu thám hiểm bờ biển phía tây của châu Phi vào đầu thế kỷ 15 rồi sau đó nước Tây Ban Nha cũng theo đuổi chính sách khám phá. Hai quốc gia này nằm trên bán đảo Iberian rất thuận tiện cho việc ra biển, lại quen thuộc với loại tàu biển của hai miền biển Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Các tàu buồm ra khơi từ hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã sớm biết lợi dụng các luồng gió mùa, mùa xuân tới đầu mùa hè, gió thổi theo hướng tây nam hướng ra Đại Tây Dương, rồi đổi hướng thổi, đưa các con tàu buồm trở về bến vào mùa thu.
Vào thời kỳ đầu của giai đoạn thám hiểm, hai quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã giấu kín các điều khám phá. Các khám phá của Vasco da Gama, của Ferdinand Magellan hay của Sebastian del Cano đã không được phổ biến, còn nhật ký của Christopher Columbus tuy còn được lưu lại nhưng chỉ là một bản tóm tắt do một người khác sao chép. Sự kín đáo này một phần cũng do các thuyền trưởng là những người thực tế, không quen với việc mô tả, ghi chép. Họ cũng không muốn cung cấp các điều khám phá cho ai ngoài các bậc vua chúa bảo trợ họ. Các chính quyền Tây Âu thì muốn giữ độc quyền các nguồn lợi khai thác tại các miền đất mới nên càng khuyến khích sự bảo mật. Các chi tiết về khám phá vì thế thường được ghi chép do các nhà ký sự (chroniclers) hay các nhà du lịch tài tử và những người này thường căn cứ vào các lý thuyết cổ điển, các điều ước đoán thiên văn cũng như vào các kinh nghiệm thu lượm được.
Trong khi hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang theo đuổi các chương trình thám hiểm và dấu kín các khám phá, thì tại hai hải cảng Lisbon và Seville, các con tàu biển trở về sau các chuyến hải hành đã mang về nào hương liệu, ngà voi, nào phẩm nhuộm… và cả người nô lệ. Các thương gia ngoại quốc buôn bán tại các hải cảng kể trên thường được nghe kể về chuyến đi. Họ ghi chép tin tức mới lạ, hối lộ để sao chép bản đồ… rồi chính quyền của các nước quanh vùng đã phải quan tâm tới cảnh giàu sang mới, quyền lực mới. Đầu tiên là nước Anh, tới nước Pháp rồi tới cuối thể kỷ 16 có nước Hòa Lan cũng tham gia vào danh sách tranh đua khiến cho việc thám hiểm trở nên một phong trào của châu Âu.
Trong 2 thế kỷ với một số thủy thủ gan dạ, vài quốc gia của châu Âu đã đi vào các vùng biển xa lạ, bắt cóc một số thổ dân rồi dần dần lập nên các khu vực chiếm đóng tại những địa phương đã thám hiểm. Thành công của họ là do kỹ thuật, do tâm lý muốn xâm chiếm đất đai và chế ngự các dân tộc khác. Sự đô hộ của người châu Âu đã gặp ít chống đối tại các bộ lạc kém văn minh như bộ lạc Arawark của miền Tây Ấn, hay bộ lạc Tupinamba sống tại xứ Brazil. Người da đỏ chuyên săn bắn sinh sống tại Bắc Mỹ, tại vùng đất giữa Ngũ Hồ và các tiểu bang Carolina, đã lập được hệ thống chính quyền tương đối cao nên đã kháng cự lại số người da trắng di cư tới. Nhưng khuyết điểm của họ là vì họ tin tưởng vào các thần linh cư ngụ tại mỗi nơi, như các tảng đá, cây cao, thú vật… cũng vì thế họ đã thỏa hiệp với những kẻ xâm lăng và đành sống lùi xa nơi khai phá của người da trắng.
Tại miền Trung Mỹ, giống người Maya của các miền Yucatan và Guatemala đã biết trồng ngũ cốc, sống trong các thành phố và duy trì được một thứ tổ chức chính quyền liên bang đơn giản. Họ có văn hóa, biết dùng các số đếm kể cả số không. Người Tây Ban Nha khi xâm lăng các vùng đất này đã gặp may mắn nhờ người Maya mới bị suy yếu vì nội chiến và vũ khí của họ không tinh xảo bằng thứ của người châu Âu. Hai thổ dân văn minh nhất của châu Mỹ là người Aztecs thuộc miền Trung Mỹ và người Inca của miền Peru, cũng phải đầu hàng trước súng đạn của người Tây Ban Nha, rồi do truyền thống vâng lời và kỷ luật, hai sắc dân kể trên đành tuân phục các kẻ xâm lăng.
Tại châu Á, người châu Âu đã tiếp xúc với người Trung Hoa dưới triều Minh vào thế kỷ 15. Đây là xứ sở với văn hóa và nghệ thuật cao hơn thứ của châu Âu, nhưng vì người Trung Hoa đã tự mãn, một phần vì tôn giáo, phần khác vì bị vây quanh bởi một hệ thống thư lại khép kín và tham nhũng, họ đã không muốn tiếp xúc với các dân tộc khác. Vị giáo sĩ Dòng Tên người Ý tên là Matteo Ricci tới Trung Hoa năm 1582 và sống tại đó trong 28 năm cho tới khi chết, đã nói rằng người Trung Hoa không có ý niệm về thế giới bên ngoài. Trong khi tại châu Âu, các tiến bộ về Khoa Học và Kỹ Thuật đang phát triển thì tại Trung Hoa, các bộ môn kể trên không được giới trí thức quan tâm, nhất là về Toán Học và Y Khoa.
Ngoài Trung Hoa, Nhật Bản cũng là một quốc gia có một nền văn hóa rất rực rỡ, đặc biệt với hai ngành Kiến Trúc và Hội Họa. Cho tới thế kỷ 16, nước Nhật Bản đã ở vào tình trạng vô chính phủ trong ba thế kỷ và cũng giống như nước Trung Hoa, người Nhật Bản đóng cửa với thế giới bên ngoài. Sự cấm đoán đã dẫn tới các đạo luật năm 1635 kết tội tử hình những người đi ra khỏi xứ.
Như vậy trong số các dân tộc văn minh vào đầu thế kỷ 15, người châu Âu đã có được các tiến bộ Khoa Học, Kỹ Thuật, rồi nhờ căn bản Kỹ Thuật, họ đã theo đuổi các chương trình thám hiểm và khám phá các miền đất mới, nơi có các thổ dân hoặc quá sơ khai hay không được võ trang, hoặc bị chia rẽ nội bộ hay đóng cửa, làm ngơ trước các kẻ xâm lăng.
Trong thời đại khám phá (1420-1620), các nhà thám hiểm người châu Âu đã vượt biển, tìm hiểu những điều chưa biết, họ đã tin tưởng rất ít vào lý thuyết, không ỷ lại vào sự yểm trợ của chính quyền tại quê nhà, họ đã dùng tới kỹ năng của riêng họ cùng với lòng cam đảm và khả năng ứng biến để chinh phục các dân tộc khác và các miền đất mới.
3 – Các thuyền trưởng của Hoàng Tử Henry
Vào thời Trung Cổ, người châu Âu tin rằng thế giới gồm 4 lục địa là châu Âu, châu Phi, châu Á và một vùng đất được hiểu biết lờ mờ, nằm tại phía nam và được gọi bằng tên Terra In Cognita. Các bản đồ của thời kỳ này đã mô tả phần đất nhiều hơn phần biển. Người ta chưa biết tới Thái Bình Dương. Đại Tây Dương được vẽ như một con sông nhỏ và vùng đất Terra Incognita đã nằm ở phía nam khiến cho Ấn Độ Dương chỉ là một biển nhỏ nằm trong đất liền.
Sự sai nhầm trong cách mô tả này một phần do trình độ hiểu biết của các nhà vẽ bản đồ, một phần cũng do niềm tin tôn giáo. Do truyền thống của đạo Thiên Chúa, thành phố Jerusalem được coi là trung tâm của thế giới, là tâm của thứ bánh xe tròn với 4 lục địa ở chung quanh. Các bản đồ vẽ thế giới của Ptolemy, một nhà thiên văn và địa dư sống vào thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên tại xứ Ai Cập thuộc Hy Lạp, còn chính xác hơn nhưng phần lớn loại bản đồ đó đã bị thất lạc trong thời kỳ Đen Tối (the Dark Ages).
Cho tới thế kỷ 15, sự hiểu biết về châu Á và châu Phi của người châu Âu rất mơ hồ. Truyền thuyết kể rằng kho tàng của Vua Salomon được đặt tại châu Phi, còn tại châu Á có tòa nhà Cathay đầy vàng bạc. Nhiều người còn tin tưởng rằng tại châu Phi có một giòng sông đổ vào một vùng biển nhiệt đới sôi sùng sục, tại nơi này không ai tới được và sống được. Ngoài ra, tại các miền đất xa lạ đó, còn rải rác các kho tàng canh giữ bởi các con rồng và bay lượn ở trên là loài chim không có chân, suốt đời sống trên không trung. Cũng có chuyện kể rằng có các con cừu lớn bằng con bò, các người khổng lồ nhào ra biển, nắm lấy các tàu biển chỉ bằng một tay, có loại đàn bà mắt bằng ngọc quý, giết người lạ bằng một liếc mắt, lại có thứ người với bàn chân rất to, có thể dùng để che nắng…
Từ thế kỷ 12 còn lưu truyền câu chuyện một nhà vua tên là Prester John, rất giàu tài sản và lắm quyền lực, đang cư ngụ đâu đó tại châu Á rồi sau này chuyển qua châu Phi. Người ta đã hy vọng vào thế kỷ 15 rằng nếu một người châu Âu nào tiếp xúc được với Vua Prester John này, thì có thể cải đạo cho ông ta và như vậy ảnh hưởng Thiên Chúa Giáo sẽ được phổ biến rộng lớn. Châu Á và châu Phi cũng là hai miền đất tuyệt vời theo câu chuyện của Sir John Mandeville cũng như của các nhà kể chuyện thời Trung Cổ. Sở dĩ những chuyện hoang đường, truyền thuyết này lan rộng trong dân chúng vì người châu Âu thời đó không kiểm chứng lại bằng cách quan sát.
Sang thế kỷ 15, người châu Âu hoàn toàn không biết rõ về châu Á và châu Phi, dù cho đã có một số nhà buôn tới được Ấn Độ. Mặc dù có dự tính, người châu Âu không thể tiến sâu vào châu Á xa hơn xứ Palestine và Syria vì họ bị ngăn chặn bởi người Ba Tư (Persian), rồi bởi các nhà cai trị người Ả Rập.
Cho tới năm 1250, khi đế quốc Mông Cổ trải dài từ Trung Hoa tới miền nam của nước Nga, người Tây phương mới có cơ hội vượt qua trở ngại, lọt vào châu Á. Người đầu tiên làm công việc này là Marco Polo, một nhà buôn miền Venice, đã tới được Trung Hoa và sống dưới triều đại của Đại Hãn Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) vào hậu bán thế kỷ 13. Các chuyện kể về Trung Hoa của Marco Polo đã ám ảnh người châu Âu trong nhiều thập niên, rồi tới giữa thế kỷ 14, các chuyến đi về châu Á lại bị ngăn chặn bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman.
Giống như châu Á, châu Phi cũng bao trùm bí ẩn dù cho người Tây phương đã mang về vàng bạc và nô lệ từ các hải cảng Bắc Phi. Sau khi đã phục hồi từ tàn phá bởi nạn dịch “Tử Thần Đen” (the Black Death), châu Âu được cải tiến về kinh tế và người châu Âu đã không vừa lòng với các giới hạn chật hẹp, họ muốn tìm kiếm các miền đất mới ở phía đông và phía nam, tìm kiếm nguồn thương mại mới. Nhu cầu của họ là kim loại quý. Họ lại muốn nới rộng phần biển đánh cá và muốn cải biến những kẻ xa lạ sang đạo Thiên Chúa. Chương trình thám hiểm để khám phá ra những điều chưa biết, tìm ra những vật chất mới đã được một nhân vật bảo trợ, đó là Hoàng Tử Henry, nhà hàng hải, người con thứ ba của Vua John I nước Bồ Đào Nha.
Hoàng Tử Henry có vóc người cao lớn, lực lưỡng, với mớ tóc vàng do di truyền của mẹ là người gốc Anh. Năm 21 tuổi, vị hoàng tử này đã tham dự trận chiến chiếm thành phố Ceuta tại phía bắc của xứ Morocco, đó là năm 1415. Tại Ceuta, Hoàng Tử Henry đã gặp các thương nhân, đã nghe nói tới các con đường chở vàng bạc qua sa mạc Sahara. Việc chinh phục xứ Morocco có nhiều đồi núi và sa mạc đã ở ngoài tầm tay của một quốc gia nhỏ bé như Bồ Đào Nha. Nhưng nước Bồ lại ở vào một vị trí rất thuận tiện về đường biển, dễ dàng ra khơi rồi trở về an toàn. Vì vậy Hoàng Tử Henry đã đặt ra hai mục tiêu: tìm ra con đường để có vàng bạc, ngà voi, hương liệu và nô lệ, và sau đó là một kế hoạch tiếp xúc với Vua Giáo Sĩ Prester John để thanh toán người Hồi Giáo tại Bắc Phi và tại miền Đất Thánh.
Việc thám hiểm bờ biển phía tây của châu Phi không gặp khó khăn vì các thủy thủ Bồ đã quen với bão táp quanh vùng, nhưng trở ngại chính là mặt tâm lý. Người thời đó tin tưởng rằng không một ai có thể sống gần Xích Đạo, nơi mặt trời chiếu thẳng từ trên đỉnh đầu xuống và qua vùng đó, nước biển đang sôi sẽ tiêu hủy những người nào chưa đổi màu da thành đen. Cũng vì thế mà hải cảng nằm tại mạn tây bắc châu Phi, ở vĩ độ 29, được đặt tên là Cap Nun. Theo các nhà thuyết giảng tín ngưỡng thì phía sau hải cảng này, chỉ có các loài yêu quái sinh sống, lan tràn cả trên mặt đất miền Terra Incognita.
Mặc cho các dị đoan kể trên, chương trình mạo hiểm của Hoàng Tử Henry vẫn được tiến hành với các căn cứ ban đầu đặt tại các hòn đảo Madeiras, Canaries và Azores. Những nơi này được dùng để tiếp tế lương thực cho các con tàu viễn du và là nơi tạm trú cho các thủy thủ gặp nạn trên biển, do tàu đắm, do tàu trôi dạt…
Những lo lắng, các điều dị đoan về bờ biển châu Phi tan biến dần khi các thủy thủ Bồ Đào Nha thăm dò các vùng biển, các cửa sông… Cape Bojador nằm cách Cape Nun 350 dặm, được khám phá năm 1434. Tới năm 1441, con tàu Bồ từ Rio de Ouro đã mang về xứ ngoài tài sản, hương liệu, còn có rất nhiều nô lệ, mở đầu lối buôn người vô nhân đạo. Năm 1445 đánh dấu việc vượt qua Cape Blanco, một nơi có bờ biển cát trắng và Cape Verde, nơi bờ biển xanh tươi mà ngày nay được gọi là Dakar. Khi Dinis Dias vượt qua mũi đất Verde này, ông ta thấy bờ biển của châu Phi quay về hướng đông và như vậy, lục địa này có thể cong tròn ở mạn nam.
Việc khám phá đã mang về các mối lợi cho nước Bồ Đào Nha nên các công cuộc thám hiểm sau đó đã không phải chỉ do chính quyền Bồ chủ trương mà còn được sự giúp đỡ của các nhóm tài chính tư. Kết quả của những lần viễn du đều được giữ kín.
4 – Nhà thám hiểm Vasco da Gama
Năm 1460, Hoàng Tử Henry qua đời. Sự kiện này đã làm tiêu tan động lực thúc đẩy các nhà thám hiểm Bồ. Nhưng việc tìm hiểu các miền đất mới đã không ngừng lại. Đường Xích Đạo được Lopo Goncalves băng qua vào năm 1473 mà không một thủy thủ nào bị cháy thành than! Việc thám hiểm vẫn tiếp tục nhưng số lượng vàng bạc mang về xứ không được nhiều như trước, người thời đó đành hy vọng ở hương liệu. Câu hỏi đặt ra cho họ là làm sao tới được Ấn Độ và muốn vậy, châu Phi phải là một lục địa tròn trong khi bờ biển của lục địa này vẫn tiếp tục trải dài hướng về phía nam.
Sau Bồ Đào Nha, nước Tây Ban Nha bắt đầu chiếm được một số hải cảng trên các miền bờ biển châu Phi. Đã xẩy ra một số tranh chấp giữa hai nước lân bang này. Để dành riêng châu Phi cho mình và giải quyết mọi tranh chấp, nước Bồ đã trông cậy vào vị Giáo Hoàng. Trong nhiều thế kỷ, giáo hội Thiên Chúa đã từng là trọng tài của các quốc gia theo Thiên Chúa giáo, nhưng ảnh hưởng của Giáo Hoàng đã kém dần. Tuy thế, từ năm 1455, nước Bồ Đào Nha đã nhận được một loạt các công bố của Giáo Hoàng cho họ tất cả các hải đảo và miền đất phía nam Cape Bojador.
Năm 1478, Vua Ferdinand và Nữ Hoàng Isabella của các vương quốc Aragon và Castile, đã xin Giáo Hoàng đặc quyền buôn bán với xứ Guinea và đã bị từ chối trong khi tàu buôn Tây Ban Nha vẫn tiếp tục đáp vào vịnh Guinea để tìm bắt nô lệ. Tại bến cảng Seville, các con tàu mang về dân nô lệ da đen là những hình ảnh quen thuộc, chứng tỏ các hoạt động thám hiểm của người Tây Ban Nha tới các miền đất của châu Phi.
Sau đó, nước Anh cũng xin phép Giáo Hoàng được quyền tới châu Phi và buôn bán. Trước những cạnh tranh của các quốc gia khác nhau, Vua Bồ Đào Nha John II bèn ra lệnh cho Diego Cão thực hiện một loạt các thám hiểm để tìm đường đi tới Ấn Độ. Các tàu viễn du của Diego Cão được cung cấp các cột mốc bằng đá, có ghi rõ bằng tiếng La Tinh, tiếng Bồ và tiếng Ả Rập để đánh dấu những nơi tìm ra và nhận chủ quyền về cho nước Bồ Đào Nha. Diego Cão đã đóng một cột đá tại cửa sông Congo vào năm 1483 và một cột khác tại Cape Cross, 22 độ phía nam của Xích Đạo. Nhà thám hiểm Cao đã đi dọc bờ biển được 1.500 dặm, từ Cape St. Catherine tới Cape Cross nhưng lục địa châu Phi vẫn tiếp tục trải dài vô tận về phía nam.
Năm 1487, Vua John lại phái Bartolomeu Dias với ba tàu biển, chủ đích đi vòng lục địa châu Phi và nếu có thể thì bắt liên lạc với Vua Giáo Sĩ Prester John. Kết quả của các lần đi thám hiểm của Dias vẫn được giữ kín như trước kia và sau này, người ta được biết rằng Bartolomeu Dias đã tới được địa điểm mà ngày nay là Luderitz, 520 dặm về phía tây bắc của Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope). Một trận bão đã thổi con tàu của Dias vòng qua Mũi Hảo Vọng và khi cơn gió dịu đi, Dias đã tìm nơi trú ẩn trong vịnh Mossel rồi sau đó, dương buồm tới địa điểm có tên hiện nay là Port Alfred. Trên đường về, nhà thám hiểm đã gọi mũi đất nhô ra biển nhiều nhất của phần phía nam của châu Phi là Mũi Phong Ba (Cape of Storms) và về sau, Vua John đã đổi tên là Mũi Hảo Vọng, với hy vọng ở tương lai tốt đẹp.
Tới lúc này, Xích Đạo đã được các tàu biển Bồ Đào Nha vượt qua nhiều lần và không một thủy thủ nào bị đốt cháy thành than. Các truyền thuyết cổ về những hiểm nguy đã bị bác bỏ và đã có tàu biển vòng qua được mỏm cực nam của châu Phi. Người Tây phương khi bước lên bờ, thám hiểm các miền đất mới, đã gặp các loại thổ dân khác nhau. Hỏa lực, gươm giáo và áo giáp của họ đã cho phép họ chiếm đoạt bất kể món hàng nào mà họ muốn có, ngay cả khi thổ dân thù nghịch, chống cự.
Cũng vào năm 1487 khi sai Dias đi thám hiểm miền biển cực nam của châu Phi, Vua John của Bồ Đào Nha còn gửi đi hai phái đoàn cùng tới Aden theo đường bộ, một đoàn với chủ đích tìm ra con đường dẫn đến các nơi giàu có của phương đông, đoàn kia tìm cách bắt liên lạc với Vua Giáo Sĩ Prester John.
Pero da Covilha được lệnh đi qua Arabia để tới Ấn Độ. Ông này đã tìm thấy con đường biển mà các con tàu Hồi giáo thường chuyên chở hương liệu vượt qua Ấn Độ Dương để tới châu Phi. Nhà thám hiểm thứ hai cũng thông thạo tiếng Ả Rập như Covilha, là Afonso de Paiva. Đoàn thám hiểm này đi sâu vào lục địa châu Phi từ phía đông bắc, lục tìm tại xứ Ethopia ngày nay.
Cũng giống như các điều tìm thấy của Bartolomeu Dias, khám phá của hai đoàn thám hiểm kể trên được giữ kín. Covilha đã tới Calicut, là một thành phố ở phía tây của xứ Ấn Độ (Calcuta ở phía đông). Tại nơi này, các con thuyền gỗ của Trung Hoa và của miền đông Ấn Độ chuyên chở tới nào hương liệu, vàng bạc, nào tơ lụa và đồ sứ… Các mặt hàng quý giá này sau đó được chuyển tới vịnh Ba Tư và tới miền đông của châu Phi.
Covilha thực ra không phải là người châu Âu đầu tiên tới được xứ Ấn Độ. Trước đó đã có các thương nhân từ Cairo đi theo biển Hồng Hải, rồi còn có những lái buôn khác từ các thành phố Venice, Genoa…, từ các xứ Pháp và Hòa Lan. Covilha sau đó đã đi ngược về vịnh Ba Tư và tới Sofala, phía nam của Beira thuộc châu Phi. Tại nơi này, ông ta đã nghiên cứu thấy rằng Ấn Độ Dương tiếp nối với Đại Tây Dương và như vậy, từ châu Âu có thể dùng đường biển để đi vòng phía dưới châu Phi tới Ấn Độ.
Khi tới Cairo vào năm 1490, Covilha mới biết tin nhà thám hiểm Paiva đã chết. Lệnh của Vua John II bắt ông phải đảm nhiệm xứ mạng của Paiva bỏ dở. Covilha tìm đường tới được triều đình của vua xứ Ethopia và đã thấy rõ không có vị Vua Giáo Sĩ nào là Prester John cả. Năm 1520 có một phái đoàn khác của triều đình Bồ Đào Nha tới được xứ Ethopia và đã gặp lại ông Covilha già nua tại triều đình của xứ này, vì Vua Ethopia đã không cho phép ông ta ra đi, nhưng chắc chắn là các báo cáo của Covilha cũng đã tới được tay của Vua John II của Bồ Đào Nha. Sau khi vị vua này chết năm 1495, vua kế tiếp là Manuel vẫn tiếp tục chính sách mở đường tới Ấn Độ.
Nhà thám hiểm đi theo con đường của Dias khi trước và được vua Manuel chọn lựa là Vasco da Gama. Không còn tài liệu nào nói về cuộc đời của Da Gama ngoài chi tiết ông ta sinh năm 1460, là con của một viên chức nhỏ nhưng chắc hẳn ông ta đã có một thành tích đáng kể về đi biển. Da Gama được lệnh điều kiển bốn con tàu trong đó ba chiếc được đóng dưới sự giám sát của Bartholomeu Dias, là tàu chỉ huy Sao Gabriel, tàu Sao Raphael, còn tàu thứ ba có tên gọi không còn được ghi lại và Berio là con tàu thứ tư.
Ngày 8 tháng 7 năm 1497, Vasco da Gama đã cho tàu rời hải cảng Lisbon. Có lẽ do lời khuyên của Dias, hải trình kỳ này đã không theo sát bờ biển của miền tây châu Phi mà vòng ra xa để tránh các giòng nước không thuận tiện và các bãi đá ngầm. Da Gama đã lợi dụng được luồng gió mùa và sau ba tháng, vượt hơn 4.000 dặm, đoàn tàu đã tới được bờ biển châu Phi tại vịnh St. Helena, phía bắc của Cape Town. Sau đó đoàn thám hiểm tiếp tục đi qua Cape Agulhas, tới vịnh Mossel. Tại vịnh này, Da Gama cho đóng một cột ghi dấu rồi lại tiếp tục dương buồm về hướng đông.
Trên đường đi, Da Gama đã đặt tên cho các địa điểm như Natal với ý nghĩa là Ngày Sinh của Chúa, hay giòng sông “Các Điềm Lành” (the River of Good Omens). Khi tới hải cảng Mozambique, Da Gama đã gặp các thương nhân có hình dáng kỳ dị, các người Ả Rập và thổ dân buôn bán trên bến cảng. Sau đó, đoàn thám hiểm tới Mombasa, một hải cảng Ả Rập sầm uất rồi tới Malindi, nơi đã có một cộng đồng người Ấn Độ cư ngụ. Một số người theo Thiên Chúa giáo tại nơi này đã khiến cho Da Gama tin rằng Vua Giáo Sĩ Prester John ở không xa đó, sâu vào trong đất liền.
Sau khi Vasco da Gama thuê được một thủy thủ lái tàu tài giỏi tên là Gujarati của miền tây Ấn Độ, đoàn tàu của ông đã vượt qua eo biển Ả Rập, tới được hải cảng Calicut, nơi mà trước kia Covilha đã báo cáo vào năm 1490.
Ngày 29 tháng 8 năm 1498, Vasco da Gama quyết định cho đoàn tàu rời Calicut để trở về Bồ Đào Nha. Hải trình qua Ấn Độ Dương mất ba tháng và nhiều thủy thủ đã mắc bệnh hoại huyết. Vì không đủ người, Da Gama đành phải hủy bỏ con tàu Sao Raphael gần Mombasa, rồi cuộc trở về đã không gặp khó khăn. Tháng 9 năm 1499, đoàn tàu của Vasco da Gama đã về tới bến cảng Lisbon sau hơn hai năm đi biển, vượt qua được 24.000 hải lý với 44 thủy thủ sống sót trong số 170 người đã ra đi.
Thành quả của Vasco da Gama trong chuyến đi vòng qua phía nam của châu Phi để tới Ấn Độ đã khiến cho nhà hàng hải này được xếp hàng đầu trong các nhà thám hiểm của mọi thời đại. Các khó khăn gặp phải và may rủi đòi hỏi tới lòng cam đảm và tài năng của một thuyền trưởng đã khiến cho Vasco da Gama được ca tụng tương đương với Christopher Columbus.
Vasco da Gama đã mang lại cho người châu Âu quan niệm mới về thế giới, một nơi không còn bị giới hạn bởi bốn lục địa. Thế Giới từ nay đã được mở rộng cho nhiều người khác thám hiểm và khai thác.
Phạm Văn Tuấn
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên ( www.dslamvien.com )
Tài liệu tham khảo :
Wikipedia.org.
Britannica Encyclopedia
“A History of the Modern World” , R.R. Palmer & Joel Colton, Alfred A. Knopf, N.Y. 1991.
Mời xem video :