Thời cổ đại, không đội mũ khi gặp người khác là thất lễ

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 10:28:19

Thời cổ đại, mũ tượng trưng cho lễ nghi, thân phận và địa vị. Một người khi mang sai loại mũ hay mang mũ không phù hợp với hoàn cảnh thì đều bị coi là thất lễ.

Quân vương thời xưa làm lễ tịch điền, đích thân cày ruộng. (Tranh minh họa: Public Domain)


Theo sách “Hậu Hán thư” ghi chép lại: “Người thời cổ sống trong hang động và những nơi hoang dã, dùng da thú và lá cây che thân đội đầu”. Có thể thấy, ban đầu, mũ chỉ là vật có chức năng căn bản là phòng lạnh giữ ấm vào mùa đông và che mưa che nắng vào mùa hạ. Thuận theo tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, mũ ngoài công năng bảo hộ ra còn trở thành đồ trang sức, phân chia thân phận.


Người thời cổ đại cho rằng tóc là máu huyết do cha mẹ ban cho nên họ không cắt tóc. Tóc của trẻ nhỏ sẽ được buộc thành hai búi nhỏ giống như cặp sừng trên đầu, không đội mũ. Đến khi trưởng thành, con gái sẽ được làm lễ cài trâm (Kê lễ) và con trai sẽ được làm lễ đội mũ (Quán lễ). Trong nghi thức Quán lễ, con trai sẽ được cha hoặc người lớn trong gia tộc trao cho một chiếc mũ đội đầu. Quán lễ có ý nghĩa chỉ chàng trai đã đến tuổi trưởng thành, có thể gánh vác trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ và đất nước.


Trong “Thích danh” viết: “Nhị thập thành nhân, sĩ quan, thứ nhân cân”, nghĩa là con trai đến tuổi 20 phải tiến hành làm lễ đội mũ trưởng thành, bậc sĩ đội mũ, dân thường đội khăn. Sau khi làm Quán lễ xong thì không phải ai cũng được đội mũ, và cũng không thể tùy tiện mang mũ. Bình thường, chỉ bậc sĩ phu quý tộc, các khanh và đại phu mới được mang mũ, hơn nữa mũ cũng có các kiểu dáng và công năng khác nhau. Khi yết kiến Hoàng thượng thì dùng Biện quan, hay Quan mạo, lúc tham gia yến tiệc thì dùng Tiến hiền quan. Đế vương sử dụng mũ Viễn du quan, hay trong lễ hiến tế long trọng thì sử dụng Miện quan. Còn người dân bình thường, người không có thân phận địa vị thì không được tùy tiện đội mũ. Thực tế, người dân bình thường lao động vất vả, nóng nực nên chỉ có thể mang khăn bịt đầu tránh tóc bị rơi và rối.

Chính vì đội mũ là một trong những nội dung quan trọng của lễ nên giữa hai người có địa vị gặp nhau, hoặc khi tham gia các hoạt động xã hội, thì nhất định phải đội mũ, không đội mũ để đầu trần sẽ khiến tóc rối, dung mạo sẽ không được nghiêm chỉnh. Để đầu trần không chỉ là biểu hiện của hành vi không phù hợp lễ tiết trước mặt người khác, không tôn trọng người khác mà còn làm mất đi thân phận của mình. Bậc Quân vương, đại phu, người có địa vị càng cao càng phải chú ý lễ tiết này.

Cuốn “Yến Tử Xuân Thu. Nội thiên tạp thượng” có ghi chép lại câu chuyện vua Tề Cảnh Công không chỉnh tề mà bị bề tôi phê bình như sau: Vua Tề Cảnh Công thời Xuân Thu có một lần không đội mũ ra khỏi cung, người giữ cửa liền bảo rằng, đi ra ngoài mà như thế không phải quốc quân của một nước. Vua Tề Cảnh Công cảm thấy vô cùng hổ thẹn liền quay lại.

Sách “Hậu Hán thư. Mã Viện truyện” viết: Mã Viện thời Đông Hán khi chưa làm quan còn ở nhà, vô cùng tôn kính chị dâu. Những lúc không đội mũ, ông nhất định sẽ không bước vào nhà chị dâu.

Hoàng đế lấy lễ kính trọng đại thần cũng phải mang mũ khi yết kiến. Trong “Sử ký” viết rằng: Thời Hán Vũ Đế nhà Tây Hán, đại thần Cấp Ảm hướng đến Hán Vũ Đế dâng tấu, đúng lúc Hán Vũ Đế không đội mũ, nhìn thấy Cấp Ảm tiến vào, Hán Vũ Đế vội vàng nấp sau màn. Về sau này, người ta dùng câu “bất quán bất kiến Cấp Ảm” (không đội mũ không gặp Cấp Ảm) để hình dung Hoàng đế lấy lễ để kính trọng đại thần.

Các Hoàng đế triều đại nhà Thanh triệu kiến quan viên, khi không đội mũ sẽ không tuyên chiếu. Lúc trời nóng gắt thì lấy mũ xuống nhưng sai nội thị bưng đứng bên cạnh để khi tuyên chiếu thì đội vào.

Mũ không chỉ đội cho có mà còn phải đội cho ngay ngắn nhằm để chỉnh tề diện mạo của người đội. Trong các triều đại lịch sử, bề tôi khi bái kiến Hoàng đế, hoặc cấp dưới khi yết kiến cấp trên, trước tiên là phải chỉnh đốn trang phục y quan sau đó mới vào gặp mặt.

Tuy nhiên, mũ của võ quan là mũ da, mũ trụ thì khi gặp người khác phải lấy xuống mới là đúng lễ tiết lúc bấy giờ. Bởi vì loại mũ này không phải loại trùm lên búi tóc nên khi hạ xuống thì tóc cũng không bị vương xuống, bị rối lộn. Trong “Tả truyện. Chiêu Công nhị thập niên” có ghi chép: Sở Linh Vương khi ra ngoài săn bắn, quan Hữu Doãn là Tử Cách yết kiến, Sở Linh Vương liền lấy mũ da xuống biểu thị kính trọng.

Cũng trong “Tả truyện. Hi Công tam thập tam niên” viết rằng, đội quân của nước Tần khi đi ngang qua cửa bắc của vương thất nhà Chu, các binh sĩ trên chiến xa đều lấy mũ trụ xuống, xuống xe và khom người hướng đến nhà Chu để thể hiện kính lễ.

Ngoài ra, bề tôi nhà Thanh khi quỳ bái Hoàng đế cũng phải lấy mũ xuống sau đó mới dập đầu cúi lạy. Như đại thần triều Thanh Tăng Quốc Phiên và Ông Đồng Hoà khi bái kiến Hoàng đế, Thái hậu tại điện Dưỡng Tâm đều phải hành lễ như vậy. Trong “Cựu kinh toả kí” cũng có viết, bề tôi được triệu kiến: Bước vào liền quỳ xuống, bỏ mũ ra, những người từng được thưởng hoa linh (lông chim công gắn trên mũ) thì phải để hoa linh hướng về phía trước để tỏ ý tôn kính.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Người xưa đi giày, cởi giày đều có lễ tiết

Chia sẻ Facebook