Thỏa thuận trần nợ có ảnh hưởng đến tài trợ của Mỹ cho Ukraine?

Chia sẻ Facebook
31/05/2023 15:31:34

Mỹ đã từng cắt giảm một số khoản tài trợ cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan sau khi đưa ra một thỏa thuận về trần nợ năm 2013.

Thỏa thuận lưỡng đảng nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng Mỹ cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, Bloomberg dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Theo vị quan chức này, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua bất kỳ khoản hỗ trợ quân sự bổ sung nào mà không phải phụ thuộc vào giới hạn chi tiêu liên bang được quy định trong thỏa thuận mà ông Biden vừa đạt được cùng với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có bất kỳ ảnh hưởng nào đến khả năng chính quyền Mỹ nhận thêm tài trợ cho Ukraine hay không hôm 30/5, giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young cũng trả lời “Không”.

Đây sẽ là tin vui đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến nợ nần ở Mỹ có thể làm chậm hoặc ngăn chặn dòng vũ khí, đạn dược và hỗ trợ công nghệ cao cho các lực lượng của Ukraine.


“Chừng nào còn cần thiết”

Các quan chức chính quyền Biden đã nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết” để quốc gia này chấm dứt cuộc xung đột với Nga. Hiện vẫn chưa rõ liệu Nhà Trắng có yêu cầu Quốc hội tăng viện trợ cho Ukraine hay không, và nếu có thì khi nào sẽ đưa ra yêu cầu đó.

Vào tháng 12, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn yêu cầu của chính quyền về khoản bổ sung 48 tỷ USD giúp trang bị vũ khí cho Ukraine và chống lại đại dịch Covid-19, trong đó bao gồm 36 tỷ USD phân bổ riêng cho Ukraine. Khoản bổ sung này sẽ kéo dài đến ngày 30/9/2023.

Khoản tài trợ bổ sung trị giá 48 tỷ USD cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hồi tháng 12/2022 sẽ hết hạn vào tháng 9/2023. Ảnh: CNN

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Garron Garn cho biết, trong số 36 tỷ USD đó có 2,3 tỷ USD viện trợ thông qua PDA, cơ quan xúc tiến hỗ trợ an ninh giúp gửi vũ khí tới Ukraine và 4 tỷ USD cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI).

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, quốc gia này đã cung cấp 36,9 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.

Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đang hối thúc các nhà lập pháp của Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trước ngày 5/6, ngày mà Bộ Tài chính cho biết Mỹ sẽ cạn tiền để trả nợ.

Hàng năm, Mỹ gửi hàng tỷ USD tiền viện trợ khắp toàn cầu nhằm theo đuổi các lợi ích an ninh, kinh tế và nhân đạo của mình. Số tiền này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Bước sang năm 2022, hỗ trợ nước ngoài của Mỹ được ưu tiên cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch Covid-19.


Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra, Ukraine đã trở thành quốc gia châu Âu hàng đầu trong chiến dịch tài trợ nước ngoài của Mỹ.

Phần lớn viện trợ được dùng để cung cấp các hệ thống vũ khí, huấn luyện và thông tin tình báo mà các chỉ huy Ukraine cần.


Lo ngại xung đột leo thang

Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng viện trợ quân sự do Mỹ và các đồng minh khác cung cấp đã đóng một vai trò quan trọng trong phòng thủ và phản công của Ukraine chống lại Nga.

Hơn 1 năm sau cuộc xung đột, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp hoặc đồng ý cung cấp cho Ukraine một danh sách dài các khả năng phòng thủ, bao gồm xe tăng chiến đấu Abrams, tên lửa phòng không, tàu phòng thủ bờ biển và hệ thống radar và giám sát tiên tiến.

Tuy nhiên, Mỹ, cũng như các quốc gia khác vẫn chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một số thiết bị tiên tiến nhất định, chẳng hạn như máy bay chiến đấu, do lo ngại rằng làm như vậy có thể khiến xung đột leo thang.

Chính quyền Mỹ mới đây đã cho phép chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 do nước này sản xuất cho Ukraine sau nhiều tháng lưỡng lự vì lo ngại xung đột leo thang. Ảnh: spiegel.de

Kể từ tháng 2/2022, chính quyền ông Biden và Quốc hội Mỹ đã chỉ đạo hỗ trợ hơn 75 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự, theo Viện Kinh tế thế giới Kiel có trụ sở tại Đức.

Các khoản tiền trên đã giúp đỡ rất nhiều người dân và tổ chức Ukraine, bao gồm cả người tị nạn, cơ quan thực thi pháp luật và các đài phát thanh độc lập, mặc dù hầu hết viện trợ đều liên quan đến quân sự.

Quy mô hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine thật sự nổi bật khi so sánh với sự hỗ trợ từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, những con số này vẫn khá khiêm tốn so với những gì Lầu Năm Góc được lập ngân sách hàng năm, hoặc những gì Bộ Tài chính được ủy quyền để cứu trợ các ngân hàng Phố Wall, các hãng ô tô, và các lĩnh vực khác của nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ.


Trong khi đó, một số chính phủ châu Âu, chẳng hạn như Latvia và Estonia, đang hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhiều hơn so với quy mô nền kinh tế của họ .


Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, cfr.com, CNN)

Chia sẻ Facebook