Thoả thuận ngầm của nhân viên ba ngân hàng trong vụ chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 00:09:15

Thoả thuận ngầm của nhân viên ba ngân hàng trong vụ chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài

Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, trú quận Tây Hồ) cùng 12 đồng phạm về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", theo Điều 189 Bộ luật Hình sự.

Liên quan vụ án, Viện kiểm sát cáo buộc Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1993) phụ trách khách hàng doanh nghiệp và Phan Ngọc Duy (SN 1982) là Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Móng Cái, Quảng Ninh, biết Nguyệt sử dụng pháp nhân các Công ty: Phúc Linh, Hải Bối, An Gia Huy, Thuận An Phát và Minh Lâm để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài qua ngân hàng nêu trên.

Tuy nhiên, Sơn và Nguyệt thỏa thuận, để tiện cho giao dịch, làm thủ tục chuyển tiền trái phép cho các công ty của Nguyệt, Sơn trực tiếp liên hệ với các bị can trong vụ án là Phạm Việt Hùng, Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Minh Khang để nhận giấy A4 khống ký đóng dấu sẵn của các công ty, nhận nội dung phụ lục hợp đồng, thay đổi đối tượng thụ hưởng (bên thứ 3) qua email, nhận hồ sơ đề nghị thanh toán qua bưu điện. Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế, Sơn được hưởng lợi số tiền 500,000 - 1.500.000 đồng/1 triệu USD. Tổng số tiền Sơn hưởng lợi khoảng 70.000.000 đồng.

Đối với Phan Ngọc Duy, cáo trạng cho rằng, người này phê duyệt các hồ sơ thanh toán quốc tế cho 5 công ty do Nguyệt thành lập. Cả hai đã thỏa thuận số tiền Duy được hưởng trên mỗi giao dịch là 500.000 đồng/1 triệu USD. Tổng số tiền Duy được hưởng lợi trong toàn vụ án khoảng 200.000.000 đồng.

Sao kê tài khoản ngân hàng xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến khi vụ án bị phát giác, bị can Nguyệt thông qua Phan Ngọc Duy và Nguyễn Ngọc Sơn chuyển trái phép tổng số tiền hơn 6.400 tỷ đồng ra nước ngoài.

Hành vi của Sơn và Duy đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Đến tháng 11/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử, tuyên phạt Sơn 5 năm tù, Duy nhận 4 năm 6 tháng tù.


Các cán bộ ngân hàng đều nhận tiền bồi dưỡng

Hai trường hợp khác là Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa (đều là nhân viên ngân hàng Sacombank chi nhánh Móng Cái) cũng bị cơ quan truy tố xác định, từ năm 2016 có tiếp nhận hồ sơ thanh toán quốc tế của 4 công ty do Nguyệt cùng đồng phạm chuyển đến, Phương Anh và Hoa làm thao tác sao chép, in thành hồ sơ chuyển tiền. Nguyệt bồi dưỡng nhiều lần cho Phương Anh và Hoa tổng số tiền khoảng là 80 triệu đồng.

Đến năm 2018, khi thực hiện chuyển tiền cho Công ty Hải Bối của Nguyệt. Do nghi ngờ các công ty của Nguyệt chuyển tiền trái phép nên Phương Anh và ngân hàng Sacombank đã dừng giao dịch, không thực hiện thanh toán quốc tế cho Nguyệt nữa.

Ngoài ra, cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội còn đề cập đến Phạm Thị Minh Ngân (là nhân viên ngân hàng MBbank - chi nhánh Móng Cái ) bị cáo buộc, được giao thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập từ năm 2018.

Do Ngân là nhân viên ngân hàng TMCP Quân Đội nên thẩm quyền xử lý hành vi của Ngân thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội ra quyết định tách tài liệu liên quan đến hành vi của Ngân, chuyển đến Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng giải quyết theo thẩm quyền.

Viện kiểm sát cho biết, đến nay Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Ngân về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Cơ quan truy tố khẳng định, từ năm 2016 đến khi bị khởi tố, bắt giam, Nguyễn Thị Nguyện cùng 12 đồng phạm cấu kết với nhóm cán bộ ngân hàng vận chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Các bị can trong đường dây chuyển tiền bị truy tố gồm: Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985); Phạm Anh Tuấn (SN 1984); Nguyễn Văn Thắng (SN 1985); Nguyễn Thị Nga (SN 1988); Nguyễn Thị Hà (SN 1979); Nguyễn Văn Thực (SN 1979), Nguyễn Thị Thúy (SN 1974); Nguyễn Minh Khang (SN 1995); Phạm Việt Hùng (SN 1991), đều trú ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Phạm Hữu Thuật (SN 1981, ở Quảng Ninh), Nguyễn Văn Việt (SN 1998), Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, đều ở Hải Dương) và Phạm Hồng Hạo (SN 1967) trú ở Hà Nam.


Theo Hoàng An - Minh Đức

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook