Thỏa thuận hạt nhân Iran giúp giải “cơn khát” năng lượng?
Thỏa thuận hạt nhân Iran dù được hồi sinh cũng không có nghĩa là tình thế trên thị trường dầu hiện nay sẽ được cứu vãn theo.
Thế giới chờ đợi nguồn cung dầu từ Iran
Một thế giới khát năng lượng đang nhìn thấy hy vọng trong các cuộc đàm phán với Iran, đây là dòng tít được hãng tin Bloomberg sử dụng. Theo đó, Tehran có thể bơm hàng triệu thùng dầu vào thị trường thế giới, nếu Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được hồi sinh.
Vậy việc kích hoạt trở lại Thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) có liên quan như thế nào đến việc giải quyết "cơn khát" năng lượng hiện nay?
Tuần qua, cả Tehran và Washington đã gửi phản hồi chính thức về dự thảo "văn bản cuối cùng" cho việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Một động thái tích cực sau 16 tháng tiến hành đàm phán gián tiếp. EU dù giữ vai trò trung gian ở đây nhưng cũng cho thấy rõ mong muốn Iran có thể sẽ một nguồn cung dầu và khí đốt thay thế Nga cho lục địa già.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người vẫn biết đến là có lập trường đặc biệt cứng rắn với Mỹ, kể từ khi nhậm chức hiếm khi nào có tuyên bố gì liên quan đến việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, ngày 29/8, ông đã lên truyền hình và nêu rõ lập trường cuối cùng của Iran về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.
Các lập trường này xoay quanh việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chấm dứt các cuộc điều tra về hoạt động hạt nhân của Iran trong quá khứ.
Sự xuất hiện của Raisi cùng với những điều kiện mà ông đưa ra được cho không quá phi thực tế khiến dư luận kỳ vọng là đã thực sự có tia sáng cứu vãn cho thỏa thuận hạt nhân là vì thế.
Iran đã từng cung cấp ra thị trường 4 triệu thùng/ngày, nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Thời gian qua, sản lượng dầu của nước này chỉ còn khoảng 500.000 - 800.000 thùng/ngày. Các giếng dầu có đặc điểm là khi đã bị dừng hoạt động, để khởi động lại sẽ rất tốn kém và mất thời gian.
Các dự báo cho rằng nếu Iran được dỡ bỏ hết cấm vận, sản lượng của nước này, trong 6 tháng tới, cũng chỉ tăng thêm được khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Iran thay Nga cung cấp năng lượng cho châu Âu?
Là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, Iran còn sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới, sau Nga. Do vậy có thể thấy triển vọng nguồn cung dầu và khí đốt từ Iran sẽ rất đáng kể với thị trường. Tuy nhiên liệu Tehran có thể nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt năng lượng của châu Âu hiện nay? Câu trả lời sẽ là còn quá sớm để tìm ra lời giải.
Hiện sản lượng khí đốt xuất khẩu của Iran đạt 25 tỷ m 3 mỗi năm, tức chưa đến 1/6 lượng khí đột EU mua từ Nga hiện nay. Chưa kể, đường ống dẫn khí đốt kết nối Iran với châu Âu là đi qua Thổ Nhĩ Kỳ - nơi đang giữ lại gần như toàn bộ khí đốt cho mình. Do vậy, để mở rộng quy mô khai thác khí đốt, Tehran cần 90 tỷ USD trong 10 năm tới.
Trong khi đó, IEA ước tính lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của châu Âu có hiệu lực từ tháng 12 tới sẽ khiến thị trường EU thiếu hụt khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, nguồn cung dầu của Iran sớm nhất cũng chỉ là 1 triệu thùng/ngày, nếu đạt được thỏa thuận cho phép Iran xuất khẩu trở lại.
OPEC+ cảnh báo giảm sản lượng
Dù vậy, Iran vẫn sẽ là một ẩn số và là nguồn cung giải tỏa phần nào về mặt tâm lý "cơn khát năng lượng" với châu Âu, dù ít dù nhiều. Những tưởng thị trường năng lượng sẽ hạ nhiệt khi Tehran có thể bơm dầu và khí đốt ra thị trường, nhưng giá năng lượng tuần qua và cả phiên đầu tuần vẫn tiếp tục đi lên.
Lý do là bởi Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bất ngờ phát đi cảnh báo đó là khả năng OPEC và các đối tác (OPEC+) có thể sẽ cắt giảm sản lượng đúng vào thời điểm Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia bóng gió rằng, quyết tâm của OPEC+ càng gia tăng khi chứng kiến sự biến động làm đảo lộn khả năng vận hành cơ bản của thị trường.
Theo hãng tư vấn Energy Aspects, tuyên bố trên cũng là chỉ dấu cho thấy Saudi Arabia đang đi đầu trong việc bảo vệ một ngưỡng giá sàn từ 70 - 80 USD/thùng dầu, nếu Iran có thể quay lại thị trường và OPEC+ không giảm sản lượng.
Cách Trung Đông nhìn tuyên bố vừa qua của Saudi Arabia mang tính chính trị nhiều hơn là một tính toán kinh tế.
Cách đây không lâu, Công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Arabia Aramco còn trấn an thị trường là họ có thể tăng ngay lập tức lên 12 triệu thùng/ngày nếu chính phủ đồng ý. Tuy nhiên hiện, Saudi Arabia lại bảo có thể cắt giảm.
Cách nhìn thị trường thừa thiếu dầu khác nhau chỉ ngày một, ngày hai như vậy khiến dư luận Trung Đông cho rằng, động thái của Saudi Arabia hướng nhiều hơn đến việc gây sức ép tới Mỹ, phải thực sự cân nhắc tới lợi ích của Riyadh trong bất cứ bước đi nào về hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Thậm chí ngay cả khi thực sự Riyadh quyết định một bước đi về cắt giảm dầu hầu như cũng rất khó có khả năng sẽ diễn ra vào ngay cuộc họp của OPEC+ đầu tháng 9 tới đây.
Với Saudi Arabia, nếu giá dầu đạt 85 USD/thùng thì ngân sách của họ sẽ cân bằng. Saudi Arabia được cho sẽ chưa vội hành động cho tới khi giá dầu xuống dưới mốc này. Vì vậy thời gian tớ, giá dầu được cho sẽ có thể dao động quanh mốc 90 USD/thùng, nhưng khó tụt xuống dưới mốc 85 USD/thùng.
Trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu đang gia tăng trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19, nhiều quốc gia cấm vận dầu mỏ Nga và hầu hết các nước thành viên OPEC + đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng, thế giới sẽ hoan nghênh nguồn cung bổ sung từ Iran.
Vậy thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm các cường quốc liệu có giúp giải "cơn khát" năng lượng? Câu trả lời là có, nhưng trước mắt sẽ chỉ giải tỏa cơn khát về mặt tâm lý. Bởi Thỏa thuận hạt nhân Iran dù đang ở giai đoạn then chốt những vẫn chưa đàm phán xong và sẽ mất thời gian trước khi các bên có thể ngồi xuống, ký kết bằng văn bản.
Quyết định của OPEC+ sẽ như thế nào khi giá dầu đang giảm trong 2 tháng liên tiếp trở lại đây là vấn đề được giới đầu tư đang rất quan tâm vào thời điểm hiện tại.