Thỏa thuận Ả Rập Saudi – Iran: Lần đầu tiên Mỹ bị gạt ra ngoài lề ở Trung Đông
Thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian đã giúp khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran, hai quốc gia được coi là đối thủ ở Trung Đông, trong khi Mỹ bị gạt ra ngoài lề.
Iran và Ả Rập Saudi hôm 10/3 đã đạt thỏa thuận khôi phục quan hệ với Trung Quốc đóng vai trò trung gian.
Cuối cùng, một thỏa thuận hòa bình đã được thiết lập ở Trung Đông, không phải giữa Israel và thế giới Ả Rập, mà là giữa Ả Rập Saudi và Iran. Thỏa thuận cũng không phải do Mỹ sắp xếp mà là Trung Quốc, theo tờ New York Times.
Mỹ đã là trung tâm ảnh hưởng ở Trung Đông trong 3/4 thế kỷ qua, gần như không thể thiếu vắng Mỹ trong các vấn đề quan trọng. Nhưng buổi lễ ký kết thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Ả Rập Saudi không có sự tham gia của quan chức Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc vốn chỉ có vai trò thứ yếu ở Trung Đông, nay lại thể hiện tầm ảnh hưởng lớn. Israel cũng có lý do để lo lắng vì nước này và Ả Rập Saudi từng có cùng đối thủ là Iran, nay trở nên đơn độc.
“Đây rõ ràng là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt”, Amy Hawthorne, nhà nghiên thuộc tổ chức Dự án Dân Chủ Trung Đông có trụ sở ở Washington, nói. “Đúng là Mỹ không thể làm được điều như vậy. Nhìn chung, Trung Quốc đang tạo ra tầm ảnh hưởng ngoại giao vượt Mỹ ở Trung Đông”.
Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Saudi, cũng như không bày tỏ lo ngại về vai trò gia tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông.
Washington cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá quan hệ Iran và Ả Rập Saudi sẽ được khôi phục đến mức nào. Việc hai nước mở lại đại sứ quán sau 7 năm đóng cửa mới chỉ là bước đầu tiên.
Iran là quốc gia Hồi giáo dòng Shia còn Ả Rập Saudi là nước Hồi giáo dòng Sunni. Hai nhánh của đạo Hồi này luôn có tư tưởng đối lập nhau từ lâu đời và có những cản trở nhất định trong quan hệ Iran - Ả Rập Saudi.
Trước mắt, hai nước sẽ có hai tháng để bắt đầu hoạt động trao đổi ngoại giao ở cấp đại sứ. Với thỏa thuận mới, Ả Rập Saudi mong muốn các nhóm thân Iran ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Điều mà Mỹ đã không thể đảm bảo với đồng minh.
Theo tờ New York Times, thỏa thuận Iran - Ả Rập Saudi là kết quả của một thời gian dài chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạo ra rắc rối với thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MbS), đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ.
Mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi có một số trục trặc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Biden từng cảnh báo hậu quả khi Ả Rập Saudi xích lại gần hơn với Nga trong chiến lược dầu mỏ. Thực tế là cho đến nay, Mỹ đã không áp đặt bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Ả Rập Saudi.
Hiện tại, thái tử MbS đã quay sang thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc. “Ả Rập Saudi đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thúc đẩy việc bán dầu cho Trung Quốc”, Steven A. Cook, chuyên gia am hiểu vấn đề Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.
Ông Cook cho rằng, thái tử MbS muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, nhằm tạo ra lợi ích lớn nhất có thể.
Daniel C. Kurtzer, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập, nói Trung Quốc đang khỏa lấp khoảng trống mà Mỹ tạo ra ở Trung Đông. “Trung Quốc đã nhanh tay giành lấy vai trò khi Ả Rập Saudi và Mỹ xảy ra bất đồng. Mỹ đã không có bất cứ tác động gì khi Ả Rập Saudi và Iran thúc đẩy đàm phán”.
Ả Rập Saudi và Iran xích lại gần nhau ở thời điểm Israel muốn Ả Rập Saudi đứng về phía nước này. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã khôi phục quan hệ với một số quốc gia Trung Đông như UAE và Bahrain.
Diễn biến mới càng khiến nỗ lực khôi phục quan hệ giữa Isreal và Ả Rập Saudi càng khó khăn hơn. Ả Rập Saudi từng yêu cầu Mỹ đưa ra cam kết an ninh, hỗ trợ nước này phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự. Đây là các yêu cầu mà Mỹ chưa chính thức phản hồi. Iran là quốc gia phát triển các dự án điện hạt nhân thành công và điều này có thể khiến Ả Rập Saudi quan tâm.
Theo New York Times, Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông trong các lĩnh vực thương mại, quân sự và tình báo. Nhưng trong tương lai, mọi thứ có thể sẽ vẫn còn thay đổi.
“Các đối tác Trung Đông của Mỹ ngày càng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Điều đó chưa tạo ra mối đe dọa với Mỹ. Nhưng trật tự ở Trung Đông đã bắt đầu thay đổi”, cựu đại sứ Kurtzer nói.
Đăng Nguyễn - New York Times