Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 11:53:57

Ankara đã cố gắng và khá thành công với vai trò trung gian hòa giải trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến Ukraine như thỏa thuận ngũ cốc và giải quyết xung đột Ukraine.

Tại thủ đô của Kazakhstan hôm nay đã diễn ra Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Hội nghị lần này có sự góp mặt của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một vấn đề đáng quan tâm từ hội nghị này là nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Phát biểu tại hội nghị CICA 2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, Ankara đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực vì hòa bình giữa Nga và Ukraine, chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt bất chấp những khó khăn trên thực địa trong thời gian gần đây. Ông nói: "Tất cả chúng ta đều đang trải qua những tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Tôi vẫn luôn nói rằng hòa bình chỉ có thể được thiết lập thông qua ngoại giao. Không có người chiến thắng trong chiến tranh, và cũng không có ai thua cuộc trong hòa bình".

Thổ Nhĩ Kỳ từng 2 lần đứng ra tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine, bao gồm cuộc gặp trực tiếp hồi tháng 3 giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Cùng với Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian để Nga và Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đi qua Biển Đen, góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian để Nga và Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đi qua Biển Đen

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc cùng với cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn giữa Nga và Ukraine hồi tháng 9 vừa qua được đánh giá là những "thành tựu hữu hình" theo hướng hạ nhiệt căng thẳng. Ankara đã nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu mà nước này đặt ra là tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nga đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ

Nga để ngỏ mọi khả năng đàm phán và sẵn sàng đón nhận các đề xuất mới xung quanh vấn đề Ukraine trong các cuộc họp tại Kazakhstan. Phía Nga đã nhiều lần khẳng định không từ chối việc đối thoại và sẵn sàng làm việc với các quốc gia có ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Đặc biệt là Nga ghi nhận sự sẵn sàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa ra các sáng kiến để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hy vọng đàm phán sớm trong bối cảnh này được cho là điều khó xảy ra, khi xung đột trên thực địa giữa Nga và Ukraine đã bước vào giai đoạn mới - căng thẳng và khốc liệt hơn.

Nga đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Ukraine

Có thể thấy, Ankara đã cố gắng và khá thành công với vai trò trung gian hòa giải trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến Ukraine như việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, và giờ đây đang nỗ lực với các đề xuất để giải quyết xung đột Ukraine. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ khá là mật thiết, hai nhà lãnh đạo đã có ít nhất 13 cuộc trao đổi điện thoại kể từ đầu năm đến nay, và trong mấy tháng qua thường xuyên có các cuộc hội đàm trực tiếp. Có sự tiếp xúc này bởi vì về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều này tạo thêm động lực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Phía Nga đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Ukraine. Không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, mà mới đây Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đã tuyên bố thực sự muốn trở thành người hòa giải trong các cuộc đàm phán Nga - Ukraine. Theo giới phân tích, trên thực tế có thể có nhiều người trung gian cho cuộc khủng hoảng hiện tại nhưng điều này còn phụ thuộc động thái của Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nhưng chủ trương giữ quan hệ cân bằng với cả Nga - Ukraine trong gần 8 tháng xung đột vừa qua. Bằng cách duy trì kênh liên lạc với cả hai bên chiến sự, Ankara mang đến tia hy vọng trong nỗ lực ngoại giao để tìm ra một giải pháp hòa bình phù hợp.

Cách đây vài ngày, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nhận định đối thoại Nga - Ukraine hiện nay gián đoạn là diễn biến không bất ngờ và khẳng định rằng Moscow và Kiev cuối cùng vẫn phải khởi động lại các vòng đàm phán. Câu hỏi đặt ra chỉ là khi nào họ chịu trở lại bàn đàm phán và đến lúc đó các bên đã chịu bao nhiêu thiệt hại.

Ngày 29/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của vùng Kherson và Zaporizhzhia, thuộc miền Đông Ukraine và đã tuyên bố ly khai khỏi nước này.

Chia sẻ Facebook