Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Nga, Ukraine 'chấm dứt thảm kịch'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi phái đoàn Nga, Ukraine xem xét những "quan ngại chính đáng" của nhau và đạt thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt thảm kịch.
"Chúng tôi tin rằng một nền hòa bình công bằng sẽ không có kẻ thua cuộc và xung đột kéo dài không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với phái đoàn Nga và Ukraine tại cung điện Dolmabahce ở Istanbul hôm nay, trước khi hai bên bước vào vòng đàm phán trực tiếp mới nhất.
Tổng thống Erdogan bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán sẽ có lợi cho những nước liên quan và toàn khu vực, đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng cách tiếp cận công bằng để bảo vệ và tôn trọng quyền của cả hai bên ở những diễn đàn mà Ankara có quyền bỏ phiếu.
"Hai bên đều có những quan ngại chính đáng và có thể đạt được giải pháp được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Việc chấm dứt thảm kịch này tùy thuộc vào hai bên", ông Erdogan nói.
Ông Erdogan cũng kêu gọi cả Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông cho biết các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nga và Ukraine đang diễn ra theo "hướng thuận lợi".
"Cuộc đàm phán ở Istanbul có thể dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh Nga - Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức hội nghị này", Tổng thống Erdogan cho biết thêm.
Vòng đàm phán hòa bình mới giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian bắt đầu tại Istanbul hôm nay, nhưng sẽ được tổ chức kín. Phái đoàn hai nước đã đến thành phố trước đó một ngày.
Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán trực tiếp và cũng tiếp xúc trực tuyến, song không mang lại kết quả đột phá nào ngoài việc tìm được điểm chung về hành lang nhân đạo và sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung bờ Biển Đen với cả Nga và Ukraine, đang tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai và đã đề nghị làm trung gian từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh truyền thống của Ukraine và đã cung cấp cho nước này các máy bay không người lái Bayraktar mà Ukraine sử dụng trong chiến sự.
Tuy nhiên, Ankara cũng đang tìm cách duy trì quan hệ tốt với Nga, nơi nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt và doanh thu từ du lịch.
Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Nga cũng yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và không bao giờ tham gia liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố có thể xem xét phương án trung lập khi có các đảm bảo an ninh, nhưng khẳng định sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ.
Sau hơn một tháng chiến sự, Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol, đồng thời bao vây các đô thị lớn của Ukraine. Tuy nhiên, tình hình chiến trường được cho là đang rơi vào thế bế tắc, khi các bên không tiến hành những đợt tấn công quy mô lớn, mà chỉ tập trung bảo vệ các phần lãnh thổ đang kiểm soát.
Liên Hợp Quốc cho biết từ khi xung đột vũ trang bùng phát, gần 3,9 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine và hơn 6,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên lãnh thổ nước này.
Huyền Lê (Theo AFP, Anadolu Agency , Sputnik )