Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh Thụy Điển gia nhập NATO
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh chụp màn hình video)
Reuters đưa tin hôm Thứ Hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đồng ý việc Thụy Điển gia nhập NATO, coi như kết thúc một đoạn kịch tính chung quanh chủ đề thành viên thứ 32 của khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới và đang không ngừng mở rộng này, đồng thời đẩy Nga vào thế bất lợi hơn nữa trong cả chiến tranh Ukraine và kinh tế, khi không chỉ dải lục địa phía Tây của Nga nối với Châu Âu, mà còn toàn bộ biển Baltic, đã thuộc về NATO kiểm soát.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều chục năm với lý do đảm bảo an ninh quốc gia trước cái gọi là đe dọa quân sự từ phía Nga.
Trong khi Phần Lan đã gia nhập NATO, vấn đề Thụy Điển vẫn bị chặn bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, và trong đó chủ chốt là Thổ Nhĩ Kỳ, vì Thủ tướng Hungary Viktor Orban được nhìn nhận là đang phối hợp với người bạn của ông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về việc này. Hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius (Litva) bắt đầu từ Thứ Ba (11/7) sẽ được kỳ vọng là thời điểm thảo luận về chủ đề này.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối Thụy Điển gia nhập NATO và rạn nứt trong liên minh
Thứ Bảy tuần trước Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thông điệp gây sức ép lên ông Erdogan, theo thông báo từ Nhà Trắng. Mỹ và các đồng minh cũng đã tìm cách gây sức ép với Ankara trong nhiều tháng. Một số đối tác NATO tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng 10/2021 đã yêu cầu mua 20 tỷ USD máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và gần 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của mình, và đã sử dụng tư cách thành viên của Thụy Điển để gây áp lực với Washington về các máy bay chiến đấu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Thụy Điển không làm đủ để chống lại những người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, chủ yếu là các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Hoa Kỳ coi là một tổ chức khủng bố. Ngoài ra, ông Erdogan gọi việc đốt kinh Koran ở Stockholm trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo vào tháng trước là “một hành động tàn ác” không phải là một “sự cố cá biệt” . Ông Erdogan cũng tuyên bố điều kiện để tháo bỏ ngăn chặn Thụy Điển là Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong vài giờ đàm phán vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh, và cuối cùng các bế tắc xem như đã được giải quyết.
Reuters cho đăng một số trích dẫn phản ứng sau khi giai đoạn kịch tính hạ màn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói:
“Tôi vui mừng thông báo… rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển văn bản gia nhập của Thụy Điển tới đại hội đồng quốc gia càng sớm càng tốt và hợp tác chặt chẽ với hội đồng để đảm bảo việc phê chuẩn,”
và ông miêu tả sự việc như một đánh dấu
“lịch sử”
“Điều này cảm thấy rất tốt, đây là mục tiêu của tôi trong một thời gian dài và tôi tin rằng chúng tôi đã có phản hồi rất tốt ngày hôm nay và đã tiến một bước rất lớn để trở thành thành viên.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden:
“Tôi hoan nghênh tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Tổng thư ký NATO tối nay,”
“Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan cùng Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.”
Nhật Tân
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối Thụy Điển gia nhập NATO và rạn nứt trong liên minh Về vấn đề Thụy Điển trở thành thành viên mới nhất của NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Hungary đã lên tiếng phản đối.