Thổ Nhĩ Kỳ: 36 năm tham vọng gia nhập EU vẫn vô vọng

Chia sẻ Facebook
17/05/2023 16:18:22

Thổ Nhĩ Kỳ, về mặt kỹ thuật vẫn là một quốc gia ứng cử viên, hiện đang bị nghi ngờ giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của EU.


Tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi đơn xin gia nhập khối được Ankara đệ trình lần đầu tiên vào năm 1987.

Quốc gia liên lục địa Á-Âu với gần 85 triệu dân này đang giữ kỷ lục đáng tiếc về quá trình gia nhập khối lâu nhất: 36 năm – và đây vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Không có quốc gia ứng cử viên nào khác ở Đông Âu hoặc Tây Balkan có thể sánh kịp Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.

Trên thực tế, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn vào ngày 14/4/1987 để trở thành một phần của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) – tiền thân của EU, cho đến nay 14 quốc gia đã gia nhập khối này và Vương quốc Anh đã rời khối (Brexit). Trong khi đó, Ankara vẫn ở “chế độ chờ”.


Quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ dường như bị đình trệ trong những năm gần đây, đặc biệt là do một số vấn đề, bao gồm căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải với Hy Lạp, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, cuộc khủng hoảng người di cư, và mới đây nhất là xung đột Nga -Ukraine.


Xích lại gần châu Âu

Việc Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời vào năm 1923 là dấu mốc đầu tiên trong quá trình quốc gia trải dài trên hai lục địa Á-Âu tìm cách xích lại gần châu Âu hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Atatürk, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một loạt cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng để xây dựng một quốc gia phương Tây hiện đại.

Trong vòng một thập kỷ, nước Cộng hòa mới thành lập đã chứng kiến việc bãi bỏ chế độ Caliphate, sự ra đời của bảng chữ cái Latinh, một loạt luật được truyền cảm hứng từ châu Âu, những thay đổi mạnh mẽ trong quy định về trang phục và việc ban hành chủ nghĩa thế tục trong Hiến pháp.

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Atatürk, đã thực hiện những cải cách chính trị, kinh tế và văn hóa nghiêm ngặt, đưa quốc gia liên lục địa Á-Âu xích lại gần châu Âu hơn. Ảnh: Ahval News


Sự chuyển đổi triệt để đã được đền đáp. Năm 1949, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên gia nhập Hội đồng Châu Âu, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Strasbourg. Năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của NATO – liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương được thành lập để đối trọng với Liên Xô.

Vào thời điểm đó, Ankara đã đặt mục tiêu vào dự án mới về hội nhập châu Âu ở Tây Âu. Năm 1959, Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin trở thành thành viên liên kết của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC), yêu cầu được chấp thuận 4 năm sau đó.

“Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban EEC Walter Hallstein tuyên bố trong khi ăn mừng việc ký thỏa thuận liên kết vào tháng 9/1963.

“Đó là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử ảnh hưởng của văn hóa và chính trị châu Âu. Tôi thậm chí có thể nói rằng chúng ta cảm nhận được ở đó một mối quan hệ nhất định với sự phát triển hiện đại nhất của châu Âu: Sự thống nhất của châu Âu”, ông nói.

Nhưng rào cản lớn đầu tiên đã được dựng lên vào mùa hè năm 1974. Để đáp trả một cuộc đảo chính do chính quyền quân sự Hy Lạp tài trợ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân lên đảo Síp (Cyprus) và kiểm soát phần phía Bắc đảo này. Cuộc xung đột đã chia đôi hòn đảo, một sự chia cắt vẫn còn phủ bóng lên giấc mơ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.


Tư cách ứng cử viên

Tuy nhiên, thỏa thuận liên kết với EEC đã cung cấp cho Ankara một nền tảng vững chắc để từng bước tiến lên phía trước.

Năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập EEC, khi đó có 14 thành viên, bao gồm Hy Lạp và Vương quốc Anh. Vào thời điểm đó, GDP bình quân đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ là 1.700 USD – khác xa so với mức hơn 16.000 USD ở Đức và Pháp.

Khoảng cách lớn về kinh tế, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, sự thống nhất của nước Đức và mối quan hệ tồi tệ dai dẳng với Síp và Hy Lạp, đã kéo chân Ankara trong quá trình hội nhập châu Âu.

Kể từ khi nộp đơn xin gia nhập, Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện các cải cách bổ sung để đáp ứng Bộ tiêu chí Copenhagen, yêu cầu ứng cử viên phải có một chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do, cùng với các quyền tự do và thể chế tương ứng, và tôn trọng pháp quyền.

Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu Helsinki năm 1999, nơi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành một quốc gia ứng cử viên của EU sau khi vượt qua sự phủ quyết của Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ mất hơn 12 năm kể từ khi nộp đơn xin gia nhập để nhận được tư cách ứng cử viên EU. Ảnh: CVCE

Trong thời gian chờ đợi, Brussels đề nghị Ankara một bước trung gian dưới hình thức liên minh hải quan để giao thương hàng hóa phi nông nghiệp, than đá và thép. Liên minh này đã đi vào hoạt động đầy đủ từ đầu năm 1996.

Mãi cho đến tháng 12/1999, các nhà lãnh đạo EU, trong một cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Helsinki (Phần Lan), mới nhất trí tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia ứng cử viên – một bước giúp Ankara đến gần hơn giấc mơ EU của mình.

“Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia ứng cử viên sẽ gia nhập khối trên cơ sở các tiêu chí giống như áp dụng cho các quốc gia ứng cử viên khác”, các nhà lãnh đạo EU viết trong tuyên bố chung của họ.

Tuyên bố không chỉ đơn thuần là lời hoa mỹ: Nó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận một loạt các quỹ của EU về hỗ trợ trước khi gia nhập.

Để so sánh, Thổ Nhĩ Kỳ mất hơn 12 năm kể từ khi nộp đơn xin gia nhập để nhận được tư cách ứng cử viên. Trong khi đó, Ukraine – quốc gia xin gia nhập EU trong bối cảnh có xung đột quân sự với Nga – được trao tư cách ứng cử viên chỉ sau gần 4 tháng nộp đơn.


Con đường mịt mù

Quá trình mở rộng năm 2004 chứng kiến EU chuyển hẳn về phía Đông và chào đón tổng cộng 10 thành viên mới, bao gồm nhiều nước từng thuộc Liên Xô.

Đối với Ankara, đó là một tình huống khó xử: Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập trước bất kỳ quốc gia nào mới được kết nạp, bao gồm cả Síp, và vẫn đang chờ quá trình gia nhập bắt đầu.

Năm 2005, EU cuối cùng đã thông qua khuôn khổ cho các cuộc đàm phán gia nhập liên minh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Khuôn khổ đóng vai trò là hướng dẫn chính cho Ủy ban châu Âu, cơ quan chủ trì các cuộc đàm phán. Các cuộc đàm phán được chia thành 35 chương, một công việc rất phức tạp nhằm làm cho ứng cử viên phù hợp một cách hoàn hảo với tất cả các quy tắc của EU.

Chương về khoa học và nghiên cứu là chương đầu tiên được mở vào năm 2006 và tạm thời hoàn thành vào cùng năm đó. Trong một thập kỷ sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự lãnh đạo của ông Recep Tayyip Erdoğan, đã mở thêm được các cuộc đàm phán về 15 chương. Nhưng vẫn chưa có chương nào trong đó hoàn thành.

(Từ trái sang) Lãnh đạo của Đức (Angela Merkel), Nga (Vladimir Putin) và Thổ Nhĩ Kỳ (Recep Tayyip Erdoğan) tại một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Syria ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 27/10/2018. Cả 3 đều là lãnh đạo lâu năm và có mối quan hệ phức tạp với nhau. Ảnh: Getty Images

Những năm 2000 đánh dấu thời kỳ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Thổ Nhĩ Kỳ: GDP bình quân đầu người của nước này tăng hơn gấp 3 lần, từ 3.100 USD năm 2001 lên 10.615 USD năm 2010, trong khi các dịch vụ mở rộng nhanh chóng nhờ các lĩnh vực như vận tải, du lịch và tài chính, đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển là không đủ để vượt qua căng thẳng ở Địa Trung Hải và sự dè dặt ngày càng tăng giữa các nhà lãnh đạo EU. Một số nhà lãnh đạo bắt đầu đề xuất thay thế tư cách thành viên đầy đủ bằng “quan hệ đối tác đặc quyền” – một sự kéo lùi lớn đối với Ankara.

Đáp lại những lời kêu gọi thỏa hiệp để “tìm thấy một con đường cân bằng” từ Pháp, Đức và Áo, năm 2011, ông Erdoğan đã đặt cược rằng quá trình gia nhập EU của đất nước ông sẽ hoàn thành vào năm 2023 – trùng với lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016 đã tạo đòn bẩy chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận giúp kiểm soát làn sóng tị nạn lên tới hàng triệu người đến từ Syria và Afghanistan.

Nhưng mọi thứ lại một lần nữa trở nên tồi tệ sau âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Những diễn biến sau đó đã khiến Nghị viện Châu Âu nhất trí ủng hộ việc “tạm thời đóng băng” tiến trình đàm phán gia nhập của nước này.

Và đến tháng 6/2018, Hội đồng châu Âu sau khi họp đã đi đến kết luận: “Thổ Nhĩ Kỳ đã ngày càng rời xa Liên minh châu Âu. Do đó, các cuộc đàm phán gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ đã đi vào bế tắc”.

Kể từ đó trở đi, tiến bộ trong đàm phán gần như bằng 0, con đường đến với EU của quốc gia này càng thêm mịt mù. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Brussels càng xuống cấp hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bất chấp áp lực từ phương Tây, Ankara vẫn duy trì quan hệ tích cực với Moscow.


Minh Đức (Theo Euronews, Daily Sabah)

Chia sẻ Facebook