Thợ lặn bắt gặp “cá ngày tận thế” khổng lồ đầy vết cắn của cá mập

Chia sẻ Facebook
15/07/2023 20:09:07

Các thợ lặn ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) đã bị mê hoặc sau khi bắt gặp một con cá mái chèo khổng lồ – loài cá được đồn đại là dấu hiệu của động đất sắp xảy ra.


Mới đây, New York Post đăng tải đoạn video đầy mê hoặc, được thực hiện ngoài khơi bờ biển Ruifang, cho thấy những người thợ lặn đang bơi quanh một sinh vật bạc lấp lánh khi nó lơ lửng gần bề mặt. Tại một thời điểm, một trong những thợ lặn đưa tay ra và chạm vào người con cá. Khoảnh khắc này đã khiến những người xem vô cùng kinh ngạc.

Các thợ lặn ước tính rằng con cá mái chèo dài khoảng 2 m, tuy lớn nhưng không so sánh được với kích thước tối đa dài 17 m của chúng.

Thật không may, cuộc hành trình của con cá mái chèo vào vùng nước nông, mặc dù rất thú vị để xem, nhưng có lẽ không phải là điềm tốt cho con thú.


“Chắc hẳn nó sắp chết nên nó bơi vào vùng nước nông hơn”, huấn luyện viên lặn Wang Cheng-Ru nói với Jam Press về con cá mái chèo.

Các thợ lặn cũng tiết lộ thêm rằng, trên cơ thể con các mái chèo có những vết thương bí ẩn, mà các chuyên gia tin rằng đó là do một con cá mập gây ra.

Loài cá Oarfish (còn được gọi là cá mái chèo, tên khoa học Regalecus glesne). Được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772, tuy nhiên rất hiếm bắt gặp vì chúng sống ở sâu dưới lòng đại dương. Cá mái chèo được coi là sống ở độ sâu khoảng 1.000 m so với mặt nước biển.

Ngoài ra cá mái chèo còn có nhiều biệt danh mhư "rồng biển", cá "đai vua", cá "ngày tận thế"... vì từ lâu nó được xem là điềm xấu trên đại dương.

Theo quan niệm của người Nhật Bản, xác cá ​Oarfish trôi vào bờ là điềm báo sắp có động đất. Niềm tin này xuất phát từ một truyền thuyết xác cá ​Oarfish trôi dạt ở bờ biển chính là thông điệp gửi đến từ cung điện của thần biển.


Về loài cá Oarfish, các chuyên gia cho rằng, do sống gần đáy biển nên chúng nhạy cảm hơn với những chuyển động của đất so với những loài sống gần mặt biển. Tuy nhiên, việc loài cá này có khả năng dự báo động đất hay không vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được .


Quốc Tiệp (t/h)

Chia sẻ Facebook