Thịt vịt ngon nhưng có 5 nhóm người không nên ăn để tránh hại thân
Thịt vịt vừa giàu dinh dưỡng, vừa là nguyên liệu của nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Thịt vịt - thuốc bổ thượng hạng mà người Trung Quốc, người Nhật đều thích
Các loại thịt gia cầm như gà, vịt, ngan được coi là loại thịt trắng cực kỳ tốt cho sức khỏe. Trong đó, thịt vịt là loại thịt có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trong 100g thịt vịt có chứa khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng).
Bên cạnh đó, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong vịt như canxi, photpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… cũng rất cao.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Trong Đông y, thịt vịt có vị ngọt tanh, hơi mặn, tính hàn. Có tác dụng tư âm, dưỡng vị, có tác dụng tốt trong việc điều trị bệnh tim mạch, lao phổi và ung thư...
Không chỉ ở Việt Nam, thịt vịt còn rất được yêu thích ở Trung Quốc và Nhật Bản. Trong sách Bản thảo cương mục của thần y Lý Thời Trân (danh y và nhà dược học nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh) có ghi: Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt. Ngoài ra, sách Nhật cũng đánh giá loại thịt bổ dưỡng này có tác dụng sinh tân dịch, trấn định tâm thần, nuôi dưỡng dạ dày…
Các tài liệu y thư cổ ghi chép lại rằng: Thịt vịt được coi là loại "thuốc bổ thượng hạng", có tác dụng điều hòa ngũ tạng, trừ nhiệt, bổ hư…
Thịt vịt có thể được sử dụng trong một số bài thuốc sau đây:
- Người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể: Một con vịt, đại táo, liên nhục, bạch quả, cả 3 vị thuốc đều lấy 49 quả, nhân sâm 3g. Vịt làm sạch, đại táo tách bỏ hạt, liên nhục ngâm bóc bỏ vỏ và tâm sen, bạch quả bỏ vỏ và ruột, nhân sâm thái lát nhỏ vụn. Dùng rượu, tương và dầu quét đều ngoài da và trong bụng vịt, sau đó cho cả 4 vị thuốc vào bụng vịt, khâu lại, hầm chín rồi ăn.
- Đau đầu, chóng mặt buôn nôn, nôn ói, phù nề, tiểu ít: Một con vịt, 200g đậu đỏ, thảo quả 10g, hành sống. Vịt làm sạch, đậu đỏ xay ngâm mềm đãi sạch cùng thảo quả xay nhuyễn, trộn đều rồi cho vào bụng vịt, khâu lại, cho nước đun ninh nhừ, thêm hành, không cho muối rồi ăn sẽ phát huy công dụng chữa bệnh rất tốt.
- Thiếu máu: Thịt vịt nạc 300g, băm nhỏ ướp gia vị, gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, ninh nhừ. Cháo chín cho thịt vịt đảo đều, đun tiếp cho chín vịt. Ăn ngày 3 lần, duy trì liền một tuần.
Thịt vịt ngon nhưng 5 nhóm người dưới đây không nên ăn
1. Người bị bệnh gút
Thịt vịt có chứa lượng purin cao, vì thế những người mắc bệnh gút cần tránh ăn loại thịt này để không làm tăng axit uric trong cơ thể.
2. Người có hệ tiêu hóa kém
Thịt vịt có tính hàn, có thể khiến những người có hệ tiêu hóa kém bị lạnh bụng, gây tiêu chảy...
3. Người mới phẫu thuật
Những người mới phẫu thuật cần kiêng đồ tanh vì sẽ làm vết thương lâu lành, trong khi đó thịt vịt lại có vị tanh.
4. Người bị ho
Các thực phẩm tanh như vịt đều sẽ khiến người bị ho cảm thấy khó thở, sinh ra kích ứng, khiến triệu chứng ho thêm trầm trọng.
5. Người đang bị cảm
Người mắc bệnh cảm thường có thể trạng yếu, còn mệt mỏi. Trong khi đó, thịt vịt có tính hàn, gây hạ nhiệt, có thể khiến những bệnh nhân cảm lạnh bị lạnh bụng, tiêu chảy, khó chịu trong người… Bệnh chưa kịp khỏi đã nặng thêm.